Chủ tịch Mao Trạch Đông (thứ hai từ trái sang) cùng các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong lễ thành lập nhà nước hôm 1/10/1949. Ảnh: CFP |
Ngày Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nhà nước Trung Quốc theo chế độ cộng hòa ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, trước hàng nghìn nhân dân, Bạc Hy Lai mới chỉ là một cậu bé ba tháng tuổi.
Đó là năm 1949, thời điểm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời và Bắc Kinh chính thức trở thành thủ đô của quốc gia ấy. Nhiều năm sau, lời dạy của Chủ tịch Mao vẫn tiếp tục định hình cho tư duy của Bạc Hy Lai và các thành viên trong gia đình ông, góp phần dẫn tới bi kịch của cả một dòng họ.
Bạc Hy Lai, người con thứ 4 trong gia đình có 7 anh chị em, từng theo học ở Trường Trung học Bắc Kinh Số 4 cùng con em của các nhân vật có vị thế trong nội bộ đảng. Năm 1966, cậu thanh niên Bạc Hy Lai, khi ấy đang là học sinh của một trong những trường trung học tốt nhất đất nước, cùng người dân Trung Quốc, bắt đầu bước vào cuộc Đại Cách mạng Văn hóa, hoạt động chính trị - xã hội do Chủ tịch Mao khởi xướng.
Bạc nhanh chóng bị chiến dịch nhằm mục đích thanh lọc nội bộ đảng này hấp dẫn. Bằng trái tim nhiệt tình của tuổi trẻ, Bạc không ngại bày tỏ những suy nghĩ cũng như quan điểm của mình trong lớp học, trước mặt người bạn đồng môn.
Một trong những câu nói yêu thích của Bạc là: "Chúng ta sẽ trở thành lãnh đạo của một Trung Quốc trong tương lai".
Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Tỉnh ủy Trùng Khánh. Ảnh: CFP |
Không chỉ dừng lại tại đó, Bạc còn gia nhập Hồng vệ binh, một tổ chức đề cao chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng Mao Trạch Đông. Để thanh trừng những nhân vật có thể làm lung lay quyền lực của Mao, như Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, Bạc và các thành viên khác của đội Hồng vệ binh đã nhận lệnh rà soát tại nhiều khu vực khác nhau trong thành phố, không loại trừ Trung Nam Hải, trung tâm quyền lực chính trị của Bắc Kinh, nơi có nhà riêng và văn phòng của rất nhiều lãnh đạo cấp cao trong đảng.
Tuy nhiên, một năm sau đó, ngay cả cha của Bạc, ông Bạc Nhất Ba, người từng giữ chức phó thủ tướng, cũng trở thành mục tiêu của những vụ thanh trừng.
Theo lời kể của một nhân vật trong đảng, mẹ của Bạc thậm chí đã cố gắng trốn tới Đông Nam Á để thoát khỏi cuộc đàn áp. Tuy nhiên, bà bị bắt khi tới thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, và qua đời không lâu sau đó.
Sau cái chết bất thường của mẹ, các anh em trong gia đình Bạc trở nên bạo lực hơn, thậm chí so với tiêu chuẩn của Hồng vệ binh.
Bạc Hy Lai từng bị bắt vì đánh một con lừa bằng chiếc xe đẩy 4 bánh do ông lấy trộm. Cậu thanh niên khi ấy bị gửi tới một nông trại ở ngoại ô Bắc Kinh để cải tạo lao động, nơi Bạc và nhiều tù nhân khác bị nhốt vào một căn phòng khép kín với những song cửa bằng sắt.
Các tù nhân phải làm việc trên trang trại cả ngày trước khi tham gia những lớp học về tư tưởng của Mao Trạch Đông vào buổi tối. Một người đàn ông ở cùng trại cải tạo cho biết, Bạc và các tù nhân từng bị bỏ đói tới mức đã ăn sống một con chim sẻ bay lạc vào phòng giam.
Yang Fan, 61 tuổi, giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật Bắc Kinh, người biết gia đình Bạc đã nhiều năm và cũng từng theo học tại trường Trung học Bắc Kinh Số 4, nhớ về cách tư tưởng Mao Trạch Đông được truyền bá trong quần chúng nhân dân thời bấy giờ.
"Vào thời đó, tất cả chúng tôi đều được thấm nhuần tư tưởng của Mao Trạch Đông", ông Yang nói. Năm 1976, Mao Trạch Đông qua đời, đánh dấu sự kết thúc của cuộc Đại Cách mạng Văn hóa. Và một tương lai mới cho Bạc Hy Lai cũng bắt đầu từ đó.
(Đây là bài thứ ba trong series của Asahi Shimbum, tìm hiểu về con đường tiến thân của chính trị gia mất chức Bạc Hy Lai của Trung Quốc. Đọc thêm: - Dấu chân dát vàng của Bạc Hy Lai
- Đằng sau bước thăng trầm của Bạc Hy Lai)
Quỳnh Hoa