Ngày 29/3, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đơn vị đang chuẩn bị đấu thấu thuê dịch vụ thu phí không dừng tại ba cao tốc trên. Các tuyến này có lưu lượng giao thông lớn, việc thu phí không dừng sẽ giúp phương tiện di chuyển nhanh, giảm ùn tắc vào giờ cao điểm.
Ngoài ba tuyến trên, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng được trang bị thêm 12 làn không dừng. Tuyến đường này đã được đầu tư hệ thống ETC tại 15 làn xe, thu phí từ tháng 6/2020.
Tổng số trạm được lắp hệ thống thu phí không dừng tại bốn tuyến cao tốc là 23. Ngoài làn ETC, các trạm vẫn bố trí thêm một làn hỗn hợp phục vụ ôtô chưa dán thẻ không dừng. VEC ước tính chi phí thuê dịch vụ mỗi năm hơn 180 tỷ đồng trên bốn cao tốc, với tổng chiều dài 495 km.
VEC được Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, khai thác năm dự án cao tốc gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Hiện nay tuyến Bến Lức - Long Thành vẫn chưa hoàn thành và mới có tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình được đầu tư, vận hành hệ thống thu phí ETC.
Thời gian qua, việc chậm triển khai dịch vụ thu phí không dừng khiến các tuyến cao tốc thường ách tắc tại trạm thu phí trong dịp cao điểm lễ tết, chủ xe không được sử dụng dịch vụ không dừng dù đã dán thẻ và sử dụng trên nhiều quốc lộ khác. Việc VEC chậm thu phí điện tử không dừng do những vướng mắc về nguồn vốn, tái cơ cấu dự án sau khi đơn vị này chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban Quản lý vốn vào năm 2019.
Dịch vụ thu phí không dừng áp dụng công nghệ RFID, sử dụng sóng radio nhận diện tự động phương tiện có gắn thẻ định danh trên kính hoặc đèn xe. Từ thẻ gắn trên kính xe, thiết bị đọc tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ phương tiện. Người dân có thể nạp tiền vào tài khoản bằng tiền mặt, Internet banking hoặc tại trung tâm đăng kiểm, trạm thu phí... Thời gian xử lý giao dịch thu phí nhanh với tốc độ phương tiện qua trạm không barie là 50 giây/giao dịch.