Theo Văn phòng Trung ương Đảng, tại cuộc họp xem xét công tác cán bộ ngày 6/3, Bộ Chính trị quyết định ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Thường trực Ban Bí thư khóa 13 thôi giữ chức Thường trực Ban Bí thư.
Bộ Chính trị phân công bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương giữ chức Thường trực Ban Bí thư khóa 13, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Bà Trương Thị Mai 65 tuổi; thạc sĩ Hành chính công, cử nhân Sử, cử nhân Luật; quê xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Bà là Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa 12, 13; Ủy viên Trung ương Đảng bốn khóa liên tiếp từ 10 đến 13; đại biểu Quốc hội 6 khóa từ 10 đến 15; Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bà Mai là nữ Thường trực Ban Bí thư đầu tiên từ năm 1976 đến nay.
Bà Trương Thị Mai bắt đầu sự nghiệp trong vai trò giáo viên Trường thực hành, Cao đẳng sư phạm Đà Lạt; sau đó là cán bộ tỉnh đoàn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Đồng.
Trong gần 10 năm công tác tại Trung ương đoàn (1993-2002), bà giữ các vị trí Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Mặt trận Trung ương Đoàn; Phó tổng thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Bí thư Trung ương Đoàn, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Từ năm 2002 đến 2016, bà Mai công tác ở Quốc hội, giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội).
Tháng 1/2016, bà được bầu vào Bộ Chính trị, sau đó được phân công tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng, giữ chức Trưởng ban Dân vận Trung ương.
Tại Đại hội Đảng 13 đầu năm 2021, bà Mai tái đắc cử Trung ương và được bầu vào Bộ Chính trị. Sau đó, bà được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư, làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho đến nay.
Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương thành lập, gồm Tổng bí thư, một số Ủy viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công và Ủy viên Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu.
Ban Bí thư lãnh đạo công việc hàng ngày của Đảng, gồm: Chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và công tác quần chúng; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị; quyết định một số vấn đề về tổ chức, cán bộ và một số vấn đề khác theo sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương; chỉ đạo hoặc kiểm tra việc chuẩn bị các vấn đề đưa ra Bộ Chính trị thảo luận và quyết định.