Ngày 16/2, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà nội cho biết tuyển 2.370 sinh viên, tăng hơn 500 so với năm 2022, cho 9 ngành đào tạo. Trong đó, ngành Quản trị Kinh doanh sẽ do các đại học Mỹ cấp bằng, được dành 350 chỉ tiêu.
Trường áp dụng 11 phương thức tuyển sinh. Xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 vẫn là phương thức chính, chiếm gần 60% tổng chỉ tiêu. Ngoài ra, trường Đại học Kinh tế dành khoảng 25% chỉ tiêu để xét tuyển kết hợp IELTS 5.5, TOEFL iBT 65 trở lên với điểm học bạ và phỏng vấn, hoặc với điểm thi tốt nghiệp THPT, trong đó tổng hai môn còn lại trong tổ hợp tối thiểu 15.
Phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội được dành 7%. Thí sinh đăng ký phương thức này cần đạt tối thiểu 80/150 điểm HSA, đồng thời điểm trung bình môn tiếng Anh mỗi kỳ bậc THPT không dưới 7. Nếu có IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 65, các em được miễn điều kiện điểm tiếng Anh ở học bạ.
Khoảng 8% chỉ tiêu còn lại được dành cho các phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level; xét tuyển thí sinh thuộc các trường dự bị đại học; xét tuyển sinh viên quốc tế, các tài năng thể thao (áp dụng riêng ngành Quản trị kinh doanh).
Trừ xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường Đại học Kinh tế không cộng điểm ưu tiên với các phương thức còn lại.
Trường Quốc tế, cho biết tuyển 1.760 sinh viên cho 15 ngành đào tạo, tăng hơn 300 chỉ tiêu so với năm ngoái. Trong số này, ba ngành Quản lý, Kế toán và Tài chính, Quản trị khách sạn, Thể thao và Du lịch sẽ do các đại học tại Mỹ và Anh cấp bằng, với 360 chỉ tiêu.
Phương thức tuyển sinh được chia thành hai nhóm. Với các ngành do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng và đồng cấp bằng, trường Quốc tế tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2023; điểm đánh giá năng lực (HSA); xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển chứng chỉ quốc tế như A-Level, SAT, ACT, IELTS, TOEFL iBT, bằng Tú tài quốc tế (IB).
Với các ngành do đại học nước ngoài cấp bằng, trường không tuyển sinh từ kết quả thi đánh giá năng lực, mà sẽ xét tuyển thẳng theo quy định riêng. Các phương thức khác tương tự nhóm còn lại.
Cùng ngày, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, công bố năm phương thức tuyển sinh 2023. Theo đó, trường xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Hà Nội; kết quả thi đánh giá năng lực (HSA); xét chứng chỉ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Cả năm phương thức này tương tự năm 2022.
Trường Quốc tế và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chưa công bố chỉ tiêu từng ngành và tỷ lệ chỉ tiêu của mỗi phương thức.
Về điểm chuẩn 2022 theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, trường Quốc tế lấy từ 20 đến 24 điểm, cao nhất là Ngôn ngữ Anh, còn Công nghệ tài chính và kinh doanh số, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics cùng lấy mức thấp nhất.
Trong khi đó, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đông Phương học, Quan hệ công chúng lấy điểm chuẩn cao nhất - 29,95 điểm ở tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa).
Thanh Hằng