Đắk Nông nằm trong khu vực Tây Nguyên, trên tuyến quốc lộ 14, là đầu mối giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. Trên cơ sở này, tỉnh đang phát huy lợi thế về vai trò vệ tinh của các vùng kinh tế động lực trong sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào của một số ngành hàng nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Đắk Nông còn là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên có đường biên giới giáp với tỉnh Mondulkiri (Campuchia), yếu tố quốc tế này giúp phát triển giao thương hàng hóa, văn hóa...
Du lịch, khai khoáng và nông nghiệp công nghệ cao được tỉnh xem là ba động lực để thúc đẩy phát triển thời gian tới.
Công nghiệp khai khoáng
Đắk Nông có lợi thế lớn về bô xít, chiếm khoảng 70% trữ lượng cả nước, hàm lượng nhôm có chất lượng tốt đạt khoảng 40%. Bước đầu tỉnh đã hình thành chuỗi công nghiệp alumin - luyện nhôm và sau nhôm. Dự kiến đến năm 2030 sẽ đưa vào vận hành Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông; đầu tư nâng công suất Nhà máy Alumin nhân cơ từ 650.000 tấn một năm lên 2 triệu tấn một năm; đầu tư mới các dự án nhà máy Alumin Đắk Nông 2, 3, 4, 5 gắn với các khu vực, cụm mỏ khai thác theo quy hoạch.
Du lịch
Đắk Nông là vùng đất lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, cùng nhiều thắng cảnh đẹp, tự nhiên như Hồ Tà Đùng, hồ Ea Snô, hồ Tây, hồ Trúc, thác Đắk G'lun, Đắk Buk So, Đray Sáp, Gia Long, Liêng Nung. Lợi thế lớn nhất của tỉnh là có Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông sở hữu khoảng 50 hang động lớn nhỏ, với quy mô trải dài và rộng lớn bậc nhất Đông Nam Á.
Hiện nay, Đắk Nông xây dựng được ba tuyến trải nghiệm công viên địa chất gồm "Trường ca của nước và lửa", "Bản giao hưởng của làn gió mới", "Âm thanh từ trái đất" với 41 điểm đến. Đây là điều kiện thuận lợi để hướng đến phát triển du lịch mang bản sắc dân tộc riêng của vùng miền; kết hợp phát triển các sản phẩm du lịch gắn với thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm nhà vườn, các bon, buôn, bản truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng gắn với cảnh quan rừng, hồ, thác...
Nông nghiệp
Tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 58,5% tổng diện tích đất tự nhiên. Các điều kiện thuận lợi khác về đất đai, khí hậu, nguồn nước dồi dào... cũng là ưu thế để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến nông lâm sản. Hiện tỉnh có nhu cầu liên kết mở rộng thị trường, kết nối giao thương, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có trên, tỉnh tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế là công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao và du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đồng thời, tỉnh cho biết sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh công tác quảng bá, du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp năm 2024 và những năm tiếp theo.
Tỉnh cũng chú trọng nghiên cứu thị trường và tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm như Hà Nội, Nha Trang, Phú Yên, Quảng Nam, Đồng Nai, TP HCM, Cần Thơ... Song song, tỉnh tổ chức đón tiếp các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội, khảo sát dự án đầu tư tại địa phương.
Ngoài ra, Đắk Nông còn tập trung vào công tác quản lý quy hoạch đất đai, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định; tập trung nguồn vốn đầu tư công để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, tiêu biểu là dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)...
Dự kiến trong tháng 12, tỉnh tổ chức lễ đón nhận danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ hai, năm 2024 với quy mô khoảng 500 đại biểu trong nước và quốc tế; cùng với các hoạt động xúc tiến đầu tư tại các tỉnh bạn như Đồng Nai, Nha Trang sẽ tạo ra cơ hội quảng bá, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực trọng điểm của tỉnh Đắk Nông.
Trong thời gian tới, tỉnh mong muốn được kết nối, mời gọi các tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với tỉnh Đắk Nông để tìm hiểu, khảo sát, đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm.
Thế Đan