T-34 là một trong những xe tăng tốt nhất và nổi tiếng nhất của Liên Xô, trở thành biểu tượng dễ nhận thấy nhất của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Nhiều kíp lái Liên Xô đã có được chiến công khó tin trước phát xít Đức nhờ lòng dũng cảm của họ cũng như sức mạnh của dòng xe tăng hạng trung này, theo RBTH.
Ngày 17/10/1941, Lữ đoàn Tăng số 21 của Hồng quân Liên Xô xuất hiện ở ngoại ô thành phố miền tây Kalinin, khi đó đang bị quân đội phát xít Đức chiếm đóng. Các xe tăng được lệnh tấn công hậu phương địch, sau đó di chuyển vòng qua thành phố để hội quân.
Trong trận đánh, chiếc T-34 do trung sĩ Stepan Gorobets chỉ huy bị lạc khỏi đội hình. Bộ đàm vô tuyến bị hỏng khiến kíp lái không biết toàn bộ đội hình xe tăng của Lữ đoàn 21 đã bị chặn lại bởi hàng loạt cuộc không kích của máy bay Đức. Gorobets và các đồng đội tiến thẳng tới vị trí địch mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào
Chiếc T-34 của Gorobets lầm lũi tiến về Kalinin, nổ súng tiêu diệt một đoàn xe cơ giới Đức rồi đột ngột xuất hiện trên đường băng dã chiến gần thành phố. Binh sĩ Đức tại đây ngỡ ngàng trước sự táo bạo của kíp xe Liên Xô, chỉ có thể đứng nhìn chiếc T-34 phá hủy hai oanh tạc cơ bổ nhào Ju-87 và kho chứa dầu trước khi di chuyển về hướng Kalinin.
Tới lúc này, Gorobets mới nhận ra chiếc T-34 của mình đang đơn độc tác chiến và sẽ không có ai tới hỗ trợ. Anh và các đồng đội quyết định lái xe tăng thẳng qua trung tâm thành phố dưới làn mưa đạn của quân Đức để trở về đội hình. Kíp lái T-34 thậm chí còn phá hủy một khẩu pháo và đâm hỏng một xe tăng địch trên đường di chuyển.
Lính Hồng quân gần Kalinin đã hết sức ngạc nhiên khi một chiếc T-34 với chi chít vết đạn trên thân chạy tới vị trí của họ. Tổ lái của Gorobets được chào đón như những anh hùng, một tượng đài được dựng lên ở thành phố Kalinin sau chiến tranh để kỷ niệm thành tích này.
Trong giai đoạn khắc nghiệt của mùa đông năm 1942, một xe tăng T-34 do đại úy Gavriil Polovchenya chỉ huy bị mắc kẹt trên dòng sông băng gần thị trấn Andreapol, miền tây nước Nga ngày nay. Tổ lái đang chờ lực lượng hỗ trợ thì quân Đức xuất hiện và bao vây xe tăng Liên Xô.
Polovchenya ra lệnh cho kíp lái giữ yên lặng, không được tạo ra bất kỳ tiếng động nào dù đây là nhiệm vụ rất khó trong chiếc T-34 đóng băng. Quân Đức không mở được cửa nóc tháp pháo và lầm tưởng xe tăng đã bị tổ lái Liên Xô bỏ lại, nên quyết định kéo nó khỏi chỗ mắc kẹt. Ngày 15/1/1943, chiếc T-34 được chuyển tới thị trấn Andreapol, trong khi tổ lái vẫn giữ im lặng tuyệt đối ở bên trong.
5h sáng 16/1, Polovchenya và đồng đội quyết định tấn công đột phá. Chiếc T-34 di chuyển trên đường phố, liên tục khai hỏa vào lực lượng Đức đang hỗn loạn, tiêu diệt hơn 20 lính, 30 xe quân sự và 10 khẩu pháo. Quân Đức choáng váng tới mức không thể chống trả cuộc tấn công của Hồng quân Liên Xô trong ngày hôm đó và phải tháo chạy khỏi thị trấn Andreapol.
Ngày 17/12/1943, một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn Xe tăng số 118 nhận chỉ thị chiếm làng Demeshkovo để làm bàn đạp tấn công đường cao tốc nằm giữa thành phố Leningrad và Kiev. Đây nút thắt quan trọng với chiến lược phòng thủ Đức, bởi các con đường đất tại đây là nơi Đức vận chuyển trang bị, đạn dược và binh sĩ. Khu vực này có giá trị chiến lược với cả Đức và Liên Xô, do đó quân Đức xây dựng nhiều trận địa cối, đào ba tuyến hào và bố trí nhiều pháo ngụy trang để bảo vệ.
Kế hoạch tấn công của Liên Xô gặp trục trặc ngay từ đầu. Pháo chống tăng Pak-38 được quân Đức bố trí ở địa hình trên cao dễ dàng ngắm bắn lực lượng thiết giáp Hồng quân. Hỏa lực súng máy Đức cũng khai hỏa dồn dập, chia cắt bộ binh Liên Xô và ngăn họ yểm trợ xe tăng. Tuyết và bùn lầy cản trở sự cơ động của xe tăng, khiến đà tấn công của Liên Xô bị chậm lại.
Trung úy Tkachenko chỉ huy chiếc T-34 cuối cùng sót lại trên chiến trường tìm cách vượt qua một cứ điểm Đức để tấn công tập hậu. Tuy nhiên, chiếc xe bị mắc kẹt trong đầm lầy phủ đầy tuyết. Bộ binh Đức phát hiện chiếc xe tăng T-34 không thể cơ động nên tìm cách bao vây tấn công.
Toàn bộ tổ lái kiên quyết bám trụ chiến đấu bảo vệ xe với niềm tin rằng họ có thể thoát ra khỏi đầm lầy. Bộ binh Liên Xô cũng đến nơi và ngăn quân Đức tiếp cận chiếc T-34, nhưng chưa thể giải cứu được nó.
Trong đêm, một phát đạn chống tăng xuyên thủng giáp xe, khiến một thành viên tổ lái thiệt mạng. Tkachenko bị thương nặng và được đưa ra ngoài cùng một đồng đội bị thương. Trong xe lúc này chỉ còn trung sĩ Victor Chernyshenko và lái xe. Đợt tấn công tiếp theo của quân Đức làm lái xe thiệt mạng, chỉ còn Chernyshenko đơn độc giữa vòng vây quân thù.
Sang ngày tiếp theo, trung sĩ Alexei Sokolov được điều động đến hỗ trợ Chernyshenko. Sokolov tìm cách điều khiển xe tăng khỏi đầm lầy nhưng bất thành, thậm chí còn làm nó lún sâu xuống đầm lầy.
Hai lính Hồng quân quyết định tử chiến và bám trụ ở vị trí tương đối an toàn trong xe. Trên xe chỉ có một ít thịt hộp, bánh quy và thịt lợn, hai người cũng phải lấy nước uống từ đầm lầy do không còn lựa chọn nào khác.
Bộ binh Đức liên tục tổ chức tấn công chiếc T-34 nhưng đều thất bại và hứng chịu nhiều thương vong. Hết hy vọng bắt sống xe tăng T-34 cùng tổ lái, Đức dùng hỏa lực cối và pháo cỡ lớn để tiêu diệt. Một quả đạn pháo rơi trúng thân xe và khiến hai người trong xe bị thương, nhưng họ vẫn kiên quyết chống trả.
Ngày 29/12, chiếc T-34 bắn hết đạn, trong xe chỉ còn lại vài quả lựu đạn và một súng tiểu liên. Sau khi đánh bật thêm một đợt tấn công của Đức, Sokolov yêu cầu Chernyshenko để lại cho anh một quả lựu đạn và tuyên bố "thà chết chứ không đầu hàng".
Ngày 30/12, bộ binh Liên Xô đã chiếm được làng Demeshkovo gần đó. Lúc này, Sokolov đã lịm đi còn Chernyshenko ra hiệu cho đồng đội đến giải cứu, chấm dứt 13 ngày bị quân Đức vây hãm. Cả hai người sau đó được đưa tới bệnh viện trong tình trạng bị thương nặng.
Sokolov qua đời sau đó một ngày, Viktor Chernyshenko sống sót nhưng hai chân bị hoại tử và phải cắt bỏ, đồng thời phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để chữa các vết thương khác trên cơ thể. Cả hai người đều được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì thành tích dũng cảm trong chiến đấu. Sokolov được chôn cất ngay gần nơi tử thủ của mình.