Ba tổ chức đều thống nhất cho rằng để chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thật sự hữu ích thì Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ phải tham khảo nghiêm túc kinh nghiệm của Việt Nam thuộc các thời kỳ trước đây cũng như kinh nghiệm của thế giới, mà còn phải bám sát cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đã được tái cấu trúc (cho phù hợp với tinh thần của Nghị quyết Trung ương 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo).
Theo ba hiệp hội, có một thực tế là cơ cấu của hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay hoàn toàn không đáp ứng được hàng loạt định hướng quan trọng trong Nghị quyết 29 như: xây dựng một hệ thống giáo dục mở, thực hiện phân luồng triệt để học sinh sau THCS, bảo đảm liên thông giữa các cấp học, bảo đảm hội nhập quốc tế về khung trình độ…
"Do đó, chúng tôi nhất trí kiến nghị Thủ tướng chỉ ký ban hành Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sau khi cơ cấu mới của Hệ thống giáo dục quốc dân được phê chuẩn. Việc sớm ban hành Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong khi cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân chưa được chỉnh sửa như kế hoạch của Bộ Giáo dục là một động tác nửa vời, không mang tính đổi mới cơ bản và toàn diện, sẽ gây nhiều tổn thất tiền của của Nhà nước và người dân", bản kiến nghị nêu rõ.
Ba tổ chức đã thống nhất dự kiến hệ thống giáo dục quốc dân và sơ đồ phân luồng cho học sinh, sinh viên Việt Nam từ sau năm 2015 dựa theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 29 gửi đến Phó thủ tướng như sau:
"Chúng tôi cho rằng sơ đồ này sẽ giúp giáo dục Việt Nam sớm khắc phục những hạn chế cố hữu trong nhiều năm qua như không có tính mở, không tạo đươc sự phân luồng người học, không liên thông giữa các trình độ, các chương trình mang nặng tính hàn lâm dẫn tới tình trạng cơ cấu nhân lực bị méo mó, không đồng bộ, khó hội nhập quốc tế, tình trạng thừa thầy thiếu thợ, quá tải trong các kỳ tuyển sinh đại học...", PGS Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam chia sẻ.
Lan Hạ