- Nguyên nhân nào khiến Bộ Giáo dục đổi mới chương trình giáo dục phổ thông?
- Chương trình và sách giáo khoa hiện hành được triển khai trên toàn quốc từ 2002 đến nay. Dù có nhiều ưu điểm, nhưng trước yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ và khoa học giáo dục cũng như những đòi hỏi hội nhập quốc tế, chương trình và sách giáo khoa hiện hành khó đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, xu thế phát triển chương trình và sách giáo khoa của thế giới thay đổi rất nhanh, có nhiều thành tựu mới của khoa học giáo dục cần được bổ sung kịp thời. Đầu thế kỷ 21 nhiều nước có nền giáo dục phát triển đã chuyển hướng từ coi trọng nội dung giáo dục sang phát triển năng lực người học. Chương trình giáo dục Việt Nam cần đổi mới để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Có 2 cơ sở khoa học chính của việc đổi mới, đó là kết quả tổng kết đánh giá chương trình, sách giáo khoa hiện hành so với yêu cầu của Nghị quyết 40 và Nghị quyết 29 nhằm rút ra những ưu điểm và hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành, từ đó xác định những gì cần kế thừa, những gì cần đổi mới. Cơ sở thứ hai là kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và quản lý phát triển chương trình, biên soạn và sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục… nhằm tiếp thu, học tập sáng tạo kinh nghiệm của nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
- Vậy những hạn chế của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành là gì?
- Đối chiếu với yêu cầu của Nghị quyết 40 và Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành trung ương khoá 11 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì chương trình hiện hành chú trọng việc truyền đạt kiến thức, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, chưa coi trọng hướng nghiệp.
Quan điểm tích hợp và phân hoá chưa được quán triệt đầy đủ; các môn học được thiết kế chủ yếu theo kiến thức các lĩnh vực khoa học, chưa thật sự coi trọng yêu cầu về sư phạm. Một số nội dung môn học chưa đảm bảo tính hiện đại, cơ bản, còn nhiều kiến thức hàn lâm, nặng với học sinh.
Nhìn chung, chương trình hiện nay còn nghiêng về trang bị kiến thức lý thuyết, chưa thật sự thiết thực, chưa coi trọng kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức; chưa đáp ứng các yêu cầu về mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống. Hình thức tổ chức giáo dục chủ yếu là dạy học trên lớp, chưa coi trọng việc tổ chức hoạt động xã hội, hoạt động trải nghiệm. Phương pháp giáo dục và đánh giá chất lượng giáo dục nhìn chung còn lạc hậu, chưa chú trọng dạy cách học và phát huy tính chủ động, khả năng sáng tạo của học sinh.
Thiết kế chương trình hiện nay chưa quán triệt rõ mục tiêu, yêu cầu của hai giai đoạn (giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp); chưa bảo đảm tốt tính liên thông trong từng môn học, giữa các môn, trong từng lớp, từng cấp và giữa các lớp, các cấp; còn hạn chế trong việc phát huy vai trò tự chủ của nhà trường và tính sáng tạo của giáo viên trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục...
- Việc kế thừa nội dung chương trình hiện hành được thực hiện như thế nào trong lần đổi mới này?
- Kế thừa là một nguyên tắc và cũng là một trong các cơ sở khoa học quan trọng để thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể, chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp tục mục tiêu giáo dục phát triển con người toàn diện “đức, trí, thể, mỹ”; hài hòa về thể chất và tinh thần; chú trọng các yêu cầu học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội…
Nhìn chung hệ thống các lĩnh vực giáo dục và hệ thống môn học của chương trình hiện hành được kế thừa từ tên gọi đến nội dung những mạch kiến thức lớn, thời lượng cho từng môn học. Kiến thức cơ bản của tất cả môn học ở bậc phổ thông, nhất là một số môn truyền thống của Việt Nam có thế mạnh, có chất lượng và hiệu quả (được chứng tỏ qua các kỳ đánh giá quốc gia và quốc tế) đều được kế thừa, chỉ bớt đi kiến thức quá chuyên sâu, chưa hoặc không phù hợp với yêu cầu học vấn phổ thông và tâm sinh lý lứa tuổi, không phục vụ nhiều cho việc phát triển phẩm chất và năng lực.
Nội dung hoạt động giáo dục của chương trình hiện hành cũng được kế thừa trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo của chương trình mới như chào cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động đoàn đội, hoạt động ngoài giờ lên lớp... Việc kiểm tra đánh giá vẫn được thực hiện như kiểm tra miệng, viết, câu hỏi trắc nghiệm, tự luận, đề theo hướng mở, kiểm tra thường xuyên, định kỳ…
- Dự thảo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này đã tiếp cận xu thế quốc tế như thế nào?
- Trên thế giới, nhiều nước thường kéo dài thời gian học phổ thông là 12 năm và chia làm 2 giai đoạn: giáo dục bắt buộc bao gồm cấp tiểu học và THCS, kéo dài 9 hoặc 10 năm; giáo dục sau THCS thường kéo dài 3 năm. Việc thực hiện phân luồng thường ngay sau khi học xong THCS.
Các nước trên thế giới cũng thống nhất giữa dạy học tích hợp với dạy học phân hoá theo hướng tích hợp cao ở lớp/cấp học dưới, phân hoá sâu ở lớp/cấp học trên. Phân hóa là xu thế được nhiều nước chú ý từ lâu, nhưng cách thức phân hóa thì khác nhau. Phân hoá ở tiểu học và THCS bằng các môn/chuyên đề/hoạt động tự chọn. Ở THPT có hai hình thức phân hoá là phân ban và tự chọn, trong đó tự chọn đang được nhiều nước áp dụng.
Cách thức tổ chức của hình thức tự chọn có thể khác nhau trong chương trình các nước, tuy nhiên có một số điểm chung là học sinh học một số môn bắt buộc và chọn học một số môn khác theo năng lực, nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của cá nhân. Số môn học bắt buộc có thể khác nhau, song 3 môn Tiếng mẹ đẻ, Ngoại ngữ, Toán được hầu hết các nước quy định là môn bắt buộc.
Các xu thế quốc tế nêu trên đã được vận dụng trong việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam theo nguyên tắc: Học tập một cách sáng tạo và có hệ thống, không dập khuôn máy móc, đáp ứng yêu cầu vừa hiện đại, hội nhập quốc tế; vừa có bản sắc dân tộc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Chương trình mới đã tiếp thu và lựa chọn kinh nghiệm thế giới ở một số điểm như: Xác định hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm với 2 giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp; xây dựng chương trình theo hướng tiếp cận năng lực với tất cả thành tố như mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; tích hợp mạnh ở tiểu học và THCS, chú ý đến việc hình thành các môn học tích hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và các chủ đề liên môn.
Việc xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình một cách thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt (có thời lượng dành cho giáo dục địa phương; nhà trường được tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục hàng năm cho phù hợp với điều kiện cụ thể); thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa, đa dạng hóa tài liệu giáo dục cũng được áp dụng.
Hoàng Thuỳ