Sau bài viết Thuốc lá và Covid nhiều độc giả chia sẻ đã cai nghiện sau thời gian dài hút thuốc:
Tôi là lái xe chạy đường tỉnh liên tục. Tôi hút thuốc lá cũng đã 10 năm, mỗi ngày hết một bao thuốc vì lý do căng thẳng đầu óc. Vậy mà giờ tôi cũng bỏ thuốc được một năm vì vợ con cứ phàn nàn mùi khói thuốc trên người tôi.
Giờ đây ngửi thấy mùi thuốc người khác hút là thấy khó chịu. Chỉ cần mình kiên trì quyết tâm là sẽ bỏ được. Vợ con tôi đều mừng vì tôi đã bỏ được thuốc lá.
Tôi đã từng hút thuốc từ thời sinh viên do học theo bạn bè. Sau khoảng vài năm tôi bắt đầu gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như tăng cân không kiểm soát, viêm họng mãn tính, viêm xoang, mỡ máu, tăng men gan...
Nhưng từ khi chuẩn bị lấy vợ, cai thuốc lá được hẳn được vài năm nay tôi thấy sức khỏe có chuyển biến rõ rết như cổ họng dễ chịu hơn, mỡ máu trở về mức thường, cơ thể cường tráng khỏe mạnh (do dành nhiều thời gian hơn cho thể thao), ít ốm vặt và ăn uống tốt hơn hẳn.
Tôi thấy thật hối hận vì đã bắt đầu hút thuốc, bởi vậy tôi thành thật hy vọng các bạn trẻ đừng bắt đầu hút thuốc, và ai hút thuốc rồi hãy cân nhắc bỏ từ bây giờ, không chỉ tốt cho bản thân mà còn tốt cho cả gia đình và xã hội.
Hai độc giả có "thâm niên" hút thuốc 10 năm chia sẻ kinh nghiệm cai thuốc:
Là người đã từng hút thuốc lá 10 năm, hút mỗi ngày một bao cộng 3 điếu lẻ, tôi thấy việc bỏ thuốc lá không có gì khó khăn cả, quyết tâm thì chỉ sau một tuần là cai được.
Có 3 thời điểm người nghiện thuốc lá thèm nhất đó là:
1. Lúc mới ngủ dậy. 2. Lúc ăn cơm xong. 3. Lúc uống rượu bia. Trong tuần đầu tiên cai thuốc tuyệt đối không uống rượu bia. Ngủ dậy phải kiếm việc gì đó làm luôn không ngồi dặt dẹo.
Ăn xong thì đi đánh răng hoặc ăn đồ tráng miệng. Chỉ cần tránh được ba thời điểm này trong một tuần là cai được. Tôi đã bỏ thuốc được 8 năm rồi nhưng vẫn nhớ như in cái cảm giác hút thuốc, vậy mới thấy nó ảnh hưởng đến thần kinh rất lâu, mặc dù không còn thèm nữa.
Tôi cũng hút thuốc 10 năm và bỏ thuốc được 5 năm, giờ không bị lệ thuộc vào thuốc lá, sức khoẻ tốt hơn cảm thấy thật tuyệt vời. Xin chia sẻ kinh nghiệm với mọi người:
1. Xác định một lý do đủ lớn để tạo động lưc bỏ. Khi mục đích đủ lớn thì động lực đủ lớn để có quyết tâm. Viết ra tất cả những tác hại của thuốc lá mà bạn có thể gánh chịu. Những cái lợi nếu từ bỏ được. Những khó khăn cản trở việc từ bỏ thuốc để từ đó có kế hoạch bỏ
2. Hút thuốc là theo thói quen, thường thèm vào lúc ăn xong, lúc cafe, uống rượu, chơi game... Khi bỏ thuốc thì không cafe, rượu, game ...để tránh khởi phát thèm thuốc.
3. Bỏ triệt để. Hút lại một điếu là phải thực hiện lại từ đầu.
4. Lên kế hoạch cho những thói quen khác thay thế những lúc thèm thuốc
5. Tự thưởng cho mình những món quà cho các mộc thời gian: 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng để có thêm động lực.
Quan trọng nhất vẫn là quyết tâm của chính bạn.
Với những tác hại xấu của thuốc lá với sức khoẻ cộng đồng, độc giả Sunny Chan cho rằng không kể kêu gọi suông người nghiện từ bỏ thuốc lá:
Nếu trông chờ vào ý thức hay ý chí (số này rất ít) để bỏ thuốc lá không dễ, thậm chí in hình bệnh nhân ung thư vòm họng hay cảnh báo bệnh tắc nghẽn phổi lên bao thuốc cũng ko làm người hút sợ.
Muốn người hút sợ cách hay nhất là đánh trực tiếp vào túi tiền người hút, nâng thuế thuốc lá thật cao, thêm phí bảo vệ môi trường lên từng điếu thuốc, sao cho giá thuốc cao hơn hiện tại 20 lần. Lúc đó người hút sẽ chùn tay mỗi khi chi tiền mua gói thuốc, và tỉ lệ cai được thuốc lúc đó bảo đảm sẽ cao. Không gì hiệu quả bằng cách đánh vào túi tiền cả.
Độc giả hdthinh2007:
Nhiều người hiểu tác hại của thuốc lá nhưng vẫn hút bởi rất khó bỏ chủ yếu vì nghiện. Còn các nhà sản xuất tìm cách tăng tiêu thụ vì lợi nhuận. Để hạn chế, hay tốt nhất bỏ hẳn thuốc lá là quyết tâm của từng cá nhân và xã hội.
Tại Mỹ trước đây người từ 18 tuổi trở lên được phép mua thuốc lá, nhưng đến năm 2019 nâng tuổi được phép mua thuốc lá lên 21 tuổi. Cũng năm 2019 tại Mỹ, một loại thuốc lá điện tử ( E - Cigarettes) được sản xuất bán rất chạy cho các người trẻ tuổi, nhưng CDC ( cơ quan kiểm soát bệnh dịch Mỹ) thấy có trên 200 trường hợp bị tổn thương phổi nên đã loại thuốc điện tử này đã bị cấp sản xuất.
Một hãng thuốc lá nổi tiếng của Mỹ trước đây có hình chàng cao bồi cưỡi ngựa rất hùng dũng in ở bao thuốc lá. Sau đó, hình ảnh này bị cấm vì người ta cho rằng hình ảnh đó kích thích người trẻ hút thuốc lá vì cũng muốn được oai hùng như vậy.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.