Hành trình giải cứu đội bóng nhí Thái Lan kẹt trong hang Tham Luang.
Anmar Mirza, điều phối viên Ủy ban Cứu nạn Hang động Quốc gia Mỹ, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giải cứu nạn nhân kẹt trong hang, cho rằng chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên mắc kẹt trong hang Tham Luang ở Chiang Rai, Thái Lan là một trong những sứ mệnh khó khăn nhất mà ông từng gặp, với không nhiều giải pháp để nhà chức trách có thể lựa chọn, theo CNN.
Việc đội bóng thiếu niên Thái Lan được tìm thấy an toàn sau 9 ngày mắc kẹt trong hang được coi là một "phép màu", nhưng chiến dịch giải cứu để đưa họ ra ngoài cần nhiều hơn thế. Sức ép từ người thân các cầu thủ, từ các quan chức và truyền thông buộc lực lượng cứu nạn phải hành động nhanh chóng. Trong trường hợp này, đội cứu nạn chỉ có thể xem xét ba phương án để đưa đội bóng ra ngoài.
Lặn qua hang ngập nước
Quốc vương Thái Lan hôm qua ra chỉ thị cho lực lượng cứu hộ phải đưa đội bóng ra ngoài càng nhanh càng tốt, nhất là khi những cơn mưa lớn dự kiến trút xuống khu vực hang Tham Luang vào cuối tuần này. Điều này buộc đội cứu hộ phải thảo luận phương án dạy lặn cho các thành viên đội bóng để họ vượt qua hang ngầm ngập nước, thoát ra ngoài trong thời gian ngắn nhất.
Đặc nhiệm SEAL của hải quân hoàng gia Thái Lan cũng đang huấn luyện cấp tốc để 12 cầu thủ nhí và huấn luyện viên học bơi và sử dụng thiết bị lặn để ra khỏi hang. Toàn bộ thành viên đội bóng đều không biết bơi và chưa từng được đào tạo về kỹ năng lặn.
Mirza đánh giá đây là phương án mạo hiểm nhất, bởi điều kiện trong hang Tham Luang vô cùng khắc nghiệt. Các cầu thủ nhí sẽ phải vượt qua những ngách hang chật hẹp dài hàng trăm mét, vừa đủ một người chui lọt, trong dòng nước lũ chảy xiết đục ngầu.
Theo ông, những hang động đá vôi ở vùng nhiệt đới như Tham Luang là nơi các nhà thám hiểm muốn tránh xa nhất vào mùa mưa, bởi chúng về bản chất là những "ống xả lũ" của tự nhiên. Chúng hình thành do những trận lũ khoét vào lòng núi đá vôi qua hàng triệu năm, nên mỗi khi mưa trút xuống, các hang này rất dễ bị nước lũ quét qua với tốc độ khủng khiếp và tiếp tục bị ngập trong thời gian dài.
Các thợ lặn chuyên nghiệp được đào tạo bài bản của hải quân cũng phải mất khá nhiều thời gian mới vượt qua được chặng đường này. Chỉ cần một giây phút hoảng loạn hay trục trặc nhỏ với hệ thống cấp dưỡng khí cũng có thể là sự cố chết người với các thiếu niên mới tập lặn, thậm chí đe dọa đến tính mạng của thợ lặn hộ tống.
Narongsak Osotthanakorn, chỉ huy chiến dịch cứu nạn, cho biết các cầu thủ chỉ được đưa ra ngoài khi họ chắc chắn rằng các em sẽ an toàn tuyệt đối. "Lũ trẻ không nhất thiết được đưa ra ngoài cùng một lúc. Điều đó tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng của từng đứa", ông nói.
Việc lặn qua hàng trăm mét hang ngầm trong điều kiện khắc nghiệt như vậy đòi hỏi người lặn phải có nền tảng thể lực tốt. Dù các cầu thủ nhí thường xuyên luyện tập thể thao, việc bị mắc kẹt và phải nhịn đói suốt 9 ngày trong hang tối khiến hệ tiêu hóa của chúng gặp vấn đề, hoạt động trao đổi chất thay đổi khiến sức khỏe chúng suy yếu. Các cầu thủ hiện nay khó có thể đứng vững được, chưa nói tới việc bơi lặn, và có thể mất nhiều tuần mới hồi phục sức khỏe hoàn toàn nhờ các loại thực phẩm bổ dưỡng cùng vitamin và khoáng chất tiếp tế.
Khi lũ trẻ đã tập bơi lặn thuần thục và hồi phục sức khỏe, phương án giải cứu này có thể bắt đầu. Một sợi dây cáp kéo từ bên ngoài vào trong khoang ngầm sẽ giúp các em và thợ lặn hộ tống định hướng trong làn nước đục ngầu và không mất quá nhiều sức lực để chống lại làn nước chảy xiết.
Các thợ lặn chuyên nghiệp sẽ được bố trí dọc tuyến đường, lần lượt đưa từng cầu thủ ra ngoài theo phương pháp "chuyền tay". Hành trình này có thể kéo dài tới ba giờ, nên các bình oxy dự trữ sẽ được bố trí cách nhau 25-50 mét để kịp thời thay thế ngay khi bình dưỡng khí của các thợ lặn cạn kiệt. Các cầu thủ sẽ không đeo bình dưỡng khí trên lưng mà dựa vào bình oxy trên người thợ lặn chuyên nghiệp.
Nhà chức trách Thái Lan đã bắt đầu huy động các thợ lặn nói tiếng Thái để giúp lũ trẻ giữ bình tĩnh và tập trung trong suốt hành trình đầy gian khó này. Bất cứ sự hoảng loạn hay sơ suất nào trong hang tối ngập nước cũng có thể khiến các em phải trả giá bằng tính mạng của mình.
Đợi nước rút
Chỉ huy lực lượng cứu nạn Osotthanakorn cho biết thời gian và cách thức đưa đội bóng ra ngoài còn phụ thuộc lớn vào lượng nước trong hang. Trong trường hợp các cầu thủ không thể sẵn sàng để lặn ra khỏi hang, đội cứu hộ sẽ phải chờ đợi và nỗ lực bơm nước khỏi hang để giúp các em có thể đi bộ ra ngoài.
Hàng chục máy bơm công suất lớn đang hoạt động tối đa để hút nước khỏi hang, giúp mực nước giảm một cm mỗi giờ. Đến nay, lực lượng cứu hộ đã hút khoảng 120 triệu lít nước ra khỏi hang Tham Luang. Nhà chức trách cũng đã chặn hai con suối lớn trút nước vào hang, giúp phương án hút nước trở nên khả thi hơn.
Tuy nhiên thời gian này đang là mùa mưa ở Thái Lan. Nếu mưa lớn trút xuống trong vài ngày tới, việc hút nước hoàn toàn ra khỏi hang có thể mất tới nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.
Phương án hút nước và chờ đợi sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng sống sót của đội bóng trong khoang ngầm. Nếu khoang ngầm này vẫn khô ráo, đủ dưỡng khí khi nước lũ tiếp tục dâng lên do mưa lớn, còn thợ lặn vẫn có thể tiếp cận để tiếp tế lương thực, đội bóng vẫn có thể trú ẩn trong hang vài tháng đến khi mùa mưa kết thúc.
Việc chờ đợi trong hang tối suốt thời gian dài như vậy có thể không đe dọa tới tính mạng của đội bóng, nhưng sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng về tâm lý. "Ngoài nguy cơ về sức khỏe, bệnh tật, các thành viên đội bóng có thể bị căng thẳng và bí bách về tâm lý khi phải chờ đợi quá lâu trong không gian chật hẹp như vậy. Tuy nhiên, đây là những vẫn đề có thể xử lý được và không ảnh hưởng lớn đến toàn đội", Mirza đánh giá.
Trong trường hợp khoang ngầm có nguy cơ bị ngập hoàn toàn khi nước lũ dâng lên, đội cứu hộ sẽ phải tính toán đến phương án khác, trong đó khả dĩ nhất, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất, vẫn là cho các cầu thủ lặn ra bên ngoài.
Khoan lỗ từ trên trần hang
Một phương án giải cứu khác cũng được lực lượng cứu hộ tính toán tới là tìm một lỗ tự nhiên từ trên đỉnh núi thông xuống khoang ngầm, hoặc dùng máy móc khoan một lỗ lớn xuống trần hang và thòng dây kéo các cầu thủ ra ngoài.
Nhà chức trách Thái Lan và người dân địa phương đã sục sạo đỉnh núi trên hang Tham Luang suốt 10 ngày qua để tìm kiếm các ngóc ngách, kẽ đá có thể thông tới nơi đội bóng mắc kẹt. Các nhà nghiên cứu địa chất cũng tích cực thu thập dữ liệu về địa hình và cấu trúc của hang để tìm địa điểm khoan khả dĩ nhất.
Osotthanakorn cho biết đến nay họ đã tìm thấy 13 địa điểm tiềm năng trên đỉnh núi có thể thông vào hang Tham Luang, trong đó có ba lỗ đã được khoan thăm dò, lỗ sâu nhất có khoảng cách là 400 mét.
Mirza cho rằng để có thể khoan được những lỗ lớn vừa người chui lọt xuống hang ngầm, nhà chức trách Thái Lan sẽ phải huy động những máy móc chuyên dụng hạng nặng vốn được dùng trong khai mỏ. Để đưa được các cỗ máy này lên đỉnh núi, họ sẽ phải mở một con đường lớn, đồng thời sử dụng công nghệ thăm dò hiện đại để vẽ bản đồ chi tiết về cấu trúc của hang để đảm bảo khoan đúng vào nơi đội bóng đang trú ẩn.
Đây thực sự là biện pháp "mò kim đáy bể" đối với một hang ngầm ở độ sâu như vậy, chuyên gia cứu nạn này đánh giá. Bởi vậy, ông cho rằng dù không từ bỏ bất cứ phương án nào, việc khoan lỗ từ trên đỉnh núi là kém khả thi nhất và dường như ngày càng ít được nhà chức trách Thái Lan xem xét tới.
Khi những cơn mưa lớn sắp trút xuống, đội cứu hộ sẽ phải cân nhắc thật kỹ giữa lợi và hại của từng phương án giải cứu, bởi nếu bất cứ sự cố gây thương vong nào xảy ra, họ sẽ phải chịu áp lực rất lớn từ dư luận trong nước và quốc tế. "Họ đang phải đối mặt với lựa chọn thực sự khó khăn. Nếu toàn bộ đội bóng không được đưa ra ngoài an toàn, các cứu hộ viên sẽ phải đối mặt với những lời chỉ trích như ‘lẽ ra các anh phải...’ cũng như nỗi day dứt ‘giá như...’ với bản thân", Mirza nói.