Chiều 9/4, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo) do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cho biết đã hoàn thành hệ thống hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, "hoàn toàn thích ứng với quốc tế để chuẩn bị triển khai hộ chiếu vaccine".
Ban chỉ đạo yêu cầu dùng giải pháp vừa tiêm vaccine trong nước, vừa phối hợp với các nước để phân nhóm người nhập cảnh vào Việt Nam, từ đó có phương án cách ly, xét nghiệm, giám sát phù hợp; tinh thần là đảm bảo an toàn nhưng tận dụng thời gian, cơ hội để phát triển kinh tế.
Nhóm thứ nhất dự kiến được áp dụng "hộ chiếu vaccine" là người Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài, đã tiêm vaccine Covid-19. Ban chỉ đạo lưu ý, cần tính đến cả những doanh nhân Việt Nam về nước sau khi ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.
Nhóm thứ hai, người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để đầu tư, kinh doanh. Bộ Y tế căn cứ vào nhóm người theo từng nước, đã tiêm loại vaccine nào, để quy định cụ thể về thời gian xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế.
Nhóm thứ ba là khách du lịch quốc tế, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình phương án cụ thể về lộ trình mở cửa. Dự kiến, Việt Nam sẽ đón du khách từ các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng; nơi đến là những khu du lịch, nghỉ dưỡng có thể kiểm soát được người vào an toàn; có quy trình kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát các giải pháp công nghệ phục vụ chống dịch, như nhắn tin cảnh báo dịch bệnh, kết nối điều trị, khai báo y tế điện tử bắt buộc, truy vết theo dấu ca bệnh...
"An toàn nhưng tranh thủ từng giờ, từng phút để phát triển kinh tế. Bộ Y tế phải chuẩn bị những bước đi, giải pháp ứng phó dịch bệnh tốt nhất trong thời gian tới, trong đó nêu ra những việc cần phải làm rất cụ thể", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Tại cuộc họp, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh, tiến độ tiêm vaccine trên thế giới và tại Việt Nam, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế dự phòng, đề xuất công dân của quốc gia có thỏa thuận song phương, đa phương với Việt Nam về "hộ chiếu vaccine" phải được cơ quan có thẩm quyền nước đó xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19. Những người này phải được tiêm đủ mũi, đúng lịch, đúng hướng dẫn của nhà sản xuất; tiêm vaccine trong khoảng thời gian ít nhất hai tuần và không quá 12 tháng kể từ ngày tiêm mũi vaccine cuối.
Những trường hợp xuất, nhập cảnh sử dụng "hộ chiếu vaccine" phải có mã QR xác nhận hoặc xuất trình chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Theo ông Đặng Quang Tấn, dịch bệnh ở Việt Nam đã được kiểm soát tốt, tỷ lệ mắc bệnh rất thấp, nhưng tỷ lệ người đã được tiêm chủng chưa cao, miễn dịch cộng đồng thấp nên nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch rất cao khi có người nhập cảnh mang mầm bệnh. Bên cạnh đó, virus biến chủng liên tục nên vaccine có thể không hiệu quả hoặc ít hiệu quả hơn đối với các biến chủng mới.
"Hiệu lực bảo vệ của các vaccine cũng rất khác nhau, từ 66% đến 96% người được tiêm có hiệu lực bảo vệ, do đó còn tỷ lệ cao những trường hợp đã được tiêm vaccine nhưng vẫn còn nguy cơ nhiễm bệnh và lây truyền", ông Tấn cho biết. Ngoài ra, thời gian bảo vệ của các vaccine chưa rõ nên khó khăn cho việc xác định áp dụng thời gian hiệu lực của hộ chiếu vaccine.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 17/3, Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành liên quan chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine và giao thương có sự kiểm soát. Các cơ quan chức năng xem xét các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp khi Việt Nam áp dụng hộ chiếu vaccine, đồng thời xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế.
Hộ chiếu vaccine là tài liệu kỹ thuật số chứng minh một cá nhân đã được tiêm phòng virus, trường hợp này là Covid-19 (còn được gọi là thẻ sức khỏe kỹ thuật số). Tài liệu này được lưu trữ trên điện thoại hoặc ví kỹ thuật số, dữ liệu hiển thị dưới dạng mã QR.