Về thăm quê, tôi không khỏi suy nghĩ khi nhìn cuộc sống của những người anh em họ làm công nhân tại các khu công nghiệp gần nhà. Dù thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 7-8 triệu đồng, họ vẫn có một cuộc sống ổn định so với những người lao động nhập cư tại các đô thị lớn.
Họ sống ổn, không phải vì thu nhập của họ cao, mà vì họ biết tận dụng những lợi thế của việc sống gần gia đình: không tốn tiền thuê nhà, không phải chịu cảnh kẹt xe hay giá cả sinh hoạt đắt đỏ, tận dụng phần đất của gia đình để trồng trọt, chăn nuôi thêm... thì ai cũng có 3 nguồn thu nhập.
Thậm chí có người còn chơi lớn, mua ôtô giống như trong bài viết Bốn công nhân góp tiền mua ôtô đi làm cách nhà 7 km. Cả gia đình gói gọn sinh hoạt trong một đầu thu nhập hàng tháng. Tới mùa, cuối năm bán lứa gà, ao cá hay trái cây thì dư 80-90 triệu nữa. Vậy nên họ mua được ôtô 300-400 triệu đồng cũng không có gì lạ.
Tóm lại tôi thấy cuộc sống ở quê tuy không quá sôi động nhưng mang lại sự cân bằng. Sau giờ làm, họ có thời gian chăm sóc gia đình, nghỉ ngơi đúng nghĩa, và không bị cuốn vào vòng xoáy "làm để trả nợ" như nhiều người lao động nhập cư ở thành phố.
Trong khi đó, tại các đô thị lớn, ngay cả khi lương 15-20 triệu đồng mỗi tháng, phần lớn cũng chỉ đủ trang trải tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt cao ngất, và một phần nhỏ tích lũy.
Thực trạng này đặt ra một vấn đề xã hội: tại sao người lao động ở các khu công nghiệp gần đô thị lớn ngày càng rời bỏ nơi làm việc để quay về quê? Một phần vì chất lượng cuộc sống tổng thể không bằng, dù mức lương có thể cao hơn.
Họ không chỉ đối mặt với chi phí cao mà còn thiếu đi sự ổn định lâu dài khi không thể mua nhà hay an cư tại nơi mình làm việc. Điều này càng rõ nét hơn khi so sánh với những công nhân tại các tỉnh lân cận, nơi đất rộng, giá rẻ, và môi trường sống ít áp lực hơn.
Hơn nữa, câu chuyện không chỉ dừng lại ở chất lượng sống cá nhân. Tại các thành phố lớn, nhiều người lao động đang hoãn sinh con vì lo sợ không đủ khả năng tài chính. Điều này dẫn đến hệ quả lâu dài: tỷ lệ sinh giảm mạnh, thiếu hụt lao động trong tương lai, và áp lực ngày càng tăng lên các chính sách an sinh xã hội. Trong khi đó, tại quê nhà, thu nhập không cao nhưng đã yên tâm "an cư", sẵn sàng xây dựng gia đình và nuôi dạy con cái.
Điều này cho thấy một bức tranh rõ nét về sự khác biệt trong cách định nghĩa hạnh phúc và ổn định. Với họ, mức lương không phải yếu tố quyết định duy nhất.
Thay vào đó, sự gần gũi với gia đình, chi phí sống hợp lý, và một môi trường không quá áp lực mới là những giá trị quan trọng. Đây là bài học quý giá trong bối cảnh nhiều người lao động tại thành phố vẫn đang loay hoay tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Chúng ta cần nhìn nhận lại chính sách phát triển đô thị và khu công nghiệp để không chỉ tập trung vào mức lương, mà còn hướng đến nâng cao chất lượng sống tổng thể. Nếu không, dòng chảy lao động từ đô thị về quê sẽ tiếp tục gia tăng, và khoảng cách giữa các khu vực phát triển sẽ ngày càng rộng hơn.