Sự việc xảy ra vào sáng 4/11, tại bãi tắm Simaria Ghat, bên bờ sông Hằng chảy qua địa phận huyện Begusarai, Ấn Độ. Lúc này, hàng trăm người đang thực hiện nghi lễ gột rửa bằng nước sông nhân dịp lễ Kartik Purnima của người Hindu, Indian Express đưa tin.
Nitish Kumar, thủ hiến bang Bihar, cho biết ông lấy làm tiếc về vụ giẫm đạp này. Mỗi gia đình có người thiệt mạng được hỗ trợ 400.000 rupee (khoảng 6.000 USD). Nguyên nhân vụ giẫm đạp đang được cảnh sát điều tra.
Ba người chết trong lễ hội ở sông Hằng, Ấn Độ. Nguồn: Youtube.
Kartik Purnima là một ngày lành đối với người Hindu và được kỷ niệm vào ngày rằm của tháng Kartik theo lịch Hindu. Nhiều hoạt động gột rửa và lễ hội được tổ chức khắp nơi ở Ấn Độ. Hàng nghìn người hành hương hàng trăm km từ Uttar Pradesh, Uttarakhand, Bihar, Punjab, Madhya Pradesh, Delhi và Rajasthan tới các vùng tổ chức lễ hội.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng giẫm đạp trong các lễ hội trên thế giới. Vụ giẫm đạp ở Arab Saudi vào ngày 2/7/1990 được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Có tới 1.426 người hành hương, chủ yếu đến từ các nước châu Á, thiệt mạng trong vụ chen lấn bên trong một đường hầm dẫn tới thánh địa Mecca. Đa số người chết do ngạt thở bởi hệ thống thông gió bị phá hỏng trong cơn hỗn loạn.
Ấn Độ là quốc gia thường xuyên xảy ra các vụ giẫm đạp với số thương vong lớn. Đầu năm 2005, 300 người tử vong, đều là các tín đồ Hồi giáo trong vụ giẫm đạp ở bang Maharashtra. Nguyên nhân bắt đầu từ đám cháy ven đường khiến đám đông hoảng loạn xô đẩy nhau trên những bậc thang nhỏ.