Ông ngoại mất, để lại cho bà 4 đứa con và cái bụng bầu đã cận ngày sinh nở.
Ngoại kể, khuya hôm ấy tiễn ông ra đầu bờ để lội ngang rạch quay về căn cứ dưới huyện, vừa bưng ngọn đèn dầu để đi vào nhà thì ngoại nghe tiếng súng nổ. Khi bà xoay người nhìn lại thì thấy ông đã ngã gục xuống mép rạch - nơi chỉ cách bà vài chục mét.
Không biết vì muốn chịu tang cha, vì muốn chia sẻ bớt nỗi đau với bà hay vì cú sốc tinh thần quá lớn, mà ngay hôm ấy, mẹ tôi đã chào đời trong lúc họ hàng đang lo hậu sự cho ông.

Bà ngoại (áo dài xanh) bên ngày vui của cháu.
32 tuổi, bà ngoại một nách cắp 5 đứa con, vừa lo cơm cháo vừa bảo vệ con. Hai con trai đủ lớn, bà đưa đưa một đứa đi tập kết, một đứa khai thêm tuổi để theo các chú các anh vào bộ đội. Ba đứa con gái ở nhà theo bà đi tản cư. Tất cả vừa làm mướn vừa đi học và tham gia một số phong trào.
Ngày đất nước giải phóng, bà ngoại lần lượt đón hai con trai lành lặn trở về dù trong người vẫn còn dăm ba mảnh đạn mang theo. Niềm hạnh phúc được đón con trở về sau chiến tranh có lẽ tất cả bà mẹ Việt Nam thời ấy mới hiểu hết ý nghĩa của nó. Với ngoại, điều này còn ý nghĩa hơn nghìn lần vì đó là kỷ niệm vô giá mà ông ngoại đã để lại cho bà. Năm đứa con vẫn còn sống sót sau bao nhiêu năm chiến tranh loạn lạc.
Hết chiến tranh, bà về vun vén lại mảnh vườn nhà, tiếp tục làm trụ cột kinh tế gia đình. Bà dựng vợ gả chồng cho các con, dạy dỗ đàn cháu ăn học nên người. Vì nước mắt chỉ chảy xuôi chứ chưa bao giờ chảy ngược, nên gần đến ngày về sum họp cùng ông, bà vẫn còn trăm việc để nhớ, để hỏi, để lo cho mấy đứa con, cho đàn cháu, chắt. Ngoại lo cho đứa con trai lớn không biết khi nào đôi chân mới có thể đi lại được vững vàng, còn cô con gái đã hơn 60 tuổi đời vẫn chưa có một căn nhà riêng.
Ngoại cũng nhắc cô con gái út nhớ nuôi cá, nuôi gà để đám cháu cố về có cá cho câu, có gà để nấu cháo. Tối về, ngoại nhắc đứa con trai nhỏ "lâu quá sao nó không về thăm tao, bộ nó đi công tác xa lắm hả?". Ngoại lo cho đứa cháu nội gần 40 tuổi và cháu ngoại đã qua tuổi 40 vẫn chưa chịu lập gia đình...

Dù tuổi đã cao nhưng bà ngoại vẫn luôn lo lắng và dành tình yêu thương cho các con, cháu, chắt.
Ngoại ra đi ở tuổi 94 nhưng hết 60 năm vất vả ngược xuôi, hơn 30 năm còn lại là chừng ấy năm của tuổi già sức yếu. Cả nhà ai cũng đau dù biết rằng ngoại rồi cũng sẽ đi nhưng vẫn không thể chấp nhận sự thật đớn đau đó. Các cậu đều đã có cháu nội ngoại, ừng xông pha chiến trận với những vết thương cắt nát thịt da, mà vẫn cắn răng chịu đựng và không thể kìm lại những dòng nước mắt khi nhìn ngoại lần cuối. Dù có thế nào thì nỗi đau này vẫn không sánh được với nỗi đau mà ngoại đã trải qua của hơn 60 năm về trước. Đó là ngày ông ngoại hy sinh ngay trước mặt bà. Nỗi đau chỉ có một mình ngoại gồng gánh.
Nhiều người bảo ngoại như vậy là thọ lắm rồi. Ngoại yên nghỉ sẽ thanh thản vì các con cháu của ngoại ai cũng thành nhân và thành tài. Ngày ngoại mất, đồng đội và đồng chí của các cậu đến viếng. Các bác nói: "Chúng con đến chia tay bà - người mà một lòng trung thành với cách mạng, một mình nuôi dạy các con lớn lên và vẫn đi theo con đường của cách mạng". Có lẽ bấy nhiêu đó cũng đủ làm những đứa con đứa cháu tự hào về người mẹ, người bà và về truyền thống gia đình.
Sau ngày ngoại mất, cả nhà đã mang hết số tiền phúng điếu để đi làm từ thiện, giúp đỡ các gia đình nghèo, những cháu học sinh nghèo vượt khó ở địa phương, cho nạn nhân chất độc màu da cam của tỉnh nhà... Ngoài ra, cả nhà còn dành một phần để trùng tu lại ngôi chùa ở xã nhà - nơi mà ngoại từng sống. Đó là công việc mà khi còn sống ngoại vẫn làm, giờ con cháu thực hiện tiếp hành trình còn dở dang của ngoại.
Ngoại đã không về nhà hai năm rồi, nhưng trong lòng con cháu hình dáng ấy vẫn nguyên vẹn. Cái ô trầu vẫn nằm đó, chiếc áo ấm được cậu tư mang về cho ngoại trong chuyến đi công tác bên Lào vẫn còn treo ngay ngắn trong tủ. Chiếc khăn choàng cổ mà cháu nội đích tôn của ngoại mua tặng trong lần ra Bắc, vẫn nằm yên trong ngăn tủ áo của ngoại.
Ngoại hãy đi về nơi có ông ngoại đang chờ đón, ngoại nhé! Ngoại cứ yên lòng, các con, cháu của ngoại sẽ mãi là người tốt, sống tốt và luôn đi trên con đường mà ông bà đã đi qua.
Trương Hoàng Ái Nhân