Pháp hôm 11/1 tổ chức một cuộc tuần hành lớn nhất trong lịch sử từ khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc nhằm tưởng nhớ những nạn nhân trong các vụ tấn công khủng bố trong ba ngày từ 7 đến 9/1, khiến 17 người thiệt mạng. Sự kiện này được ca ngợi như biểu tượng cho tinh thần đoàn kết của nước Pháp nói riêng và toàn thế giới nói chung trong cuộc chiến chống khủng bố.
Nhưng tại các khu vực ngoại vi bao quanh những thành phố lớn của Pháp, lời kêu gọi đoàn kết dường như không thể phá vỡ cảm giác chia cắt mà các cư dân sống tại đây đang cảm nhận từng ngày, theo New York Times.
"Tôi là người Pháp và tôi có tinh thần Pháp" Nabil Souidi, 23 tuổi, nói. "Nhưng ở nơi tôi sống bạn không được phép nói 'Tôi là Charlie'", anh cho biết thêm, liên hệ tới thông điệp đoàn kết mà người dân trên khắp thế giới lan truyền sau vụ tấn công vào tòa soạn tạp chí trào phúng Charlie Hebdo.
Souidi vừa tốt nghiệp trường thương mại và mong muốn trở thành một thợ cơ khí. Trải qua nhiều tháng không kiếm được việc, anh đành nghĩ đến một phương án khác. "Tôi sẽ đến Syria", Souidi nói rồi nhếch miệng cười một cách mỉa mai.
Đối với anh và những người Hồi giáo khác ở Pháp, các vụ tấn công do những phẩn tử cực đoan thực hiện hồi tuần trước chẳng qua chỉ là phần nổi của một cuộc khủng hoảng xã hội cơ bản diễn ra trong quãng thời gian dài.
Lãnh đạo cộng đồng dân cư, người Hồi giáo và người Bắc Phi, sống chủ yếu trong các khu ngoại ô, gần đây liên tục thể hiện mối lo lắng về việc các cuộc tấn công khủng bố ở Paris sẽ khiến tình hình kinh tế xã hội tại nơi họ cư ngụ, vốn đã tồi tệ nay càng trở nên trầm trọng hơn.
Hôm 13/1, một hiệp hội đại diện cho 120 thị trưởng trên toàn nước Pháp đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh những vùng ngoại ô "đang trong tình thế nguy hiểm" do ảnh hưởng của các cuộc tấn công khủng bố, đồng thời thêm rằng việc giải quyết những thiếu sót về kinh tế, xã hội, giáo dục tại đây là một yêu cầu cấp bách.
Chia cắt sâu sắc
Vaulx-en-Velin, vùng dân cư ngoại ô tồi tàn bên ngoài thành phố Lyon, là nơi mà các vấn đề tồn tại trong xã hội Pháp hiện hữu một cách rõ nét nhất. Tại đây, tỷ lệ thất nghiệp đạt khoảng 20%, gần gấp đôi mức trung bình cả nước. Đối với thanh niên, tỷ lệ này lên tới 40%. Nửa số dân trong vùng không có bằng tốt nghiệp trung học. Tất cả khiến Vaulx-en-Velin trở thành nơi nghèo khó thứ ba ở Pháp. Người ta đơn thuần gọi nó là một "khu ổ chuột".
Trong bối cảnh ngân sách bị cắt giảm, người dân được kêu gọi chi tiêu tằn tiện, thắt lưng buộc bụng, hoàn cảnh ở đây càng trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết, bất chấp các cam kết cải thiện điều kiện giáo dục và tạo dựng những cơ hội mới của chính quyền.
Anh em Said, Cherif Kouachi, thủ phạm vụ tấn công tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo khiến 12 người thiệt mạng và Amedy Coulibaly, kẻ bắn chết một nữ cảnh sát, giết hại 4 con tin trong vụ bắt cóc tại một tiệm tạp hóa ở Paris cũng lớn lên tại những khu vực ngoại ô ủ dột tương tự như Vaulx-en-Velin. Tất cả đều bị chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan lôi cuốn khi mới chỉ ở độ tuổi thanh thiếu niên. Giống nhiều cư dân ở khu ngoại ô khác, họ thậm chí còn tự xem mình như những mầm mống xấu xa bị đẩy ra rìa xã hội.
Người dân ở những khu ngoại ô "cảm thấy họ hoàn toàn bị cô lập và không có cách nào để giải quyết vấn đề", Gounedi Traore, 37 tuổi, nhân viên xã hội tại một trung tâm cộng đồng ở Clichy-sous-Bois, khu ngoại ô giáp với thủ đô Paris nhưng có nền kinh tế trì trệ bậc nhất Pháp, nói. "Tôi cảm tưởng những gì xảy ra với Charlie Hebdo có thể khơi mào cả một cuộc chiến tranh", ông cho hay.
Giới chuyên gia hầu như đều đồng tình cho rằng vụ thảm sát tại Charlie Hebdo là hệ quả của một vấn đề nghiêm trọng hơn: sự phân hóa về kinh tế xã hội ngày càng sâu sắc, nguyên nhân sâu xa khiến người trẻ lao vào các chủ nghĩa cực đoan.
"Chúng ta không giải quyết vấn đề từ gốc rễ", Leila Legmara, một phó ban giáo dục ở vùng Colombes, ngoại ô Paris, nhận xét. "Tất nhiên tăng cường an ninh và nguồn lực để chống khủng bố là cần thiết nhưng ta cũng phải giải quyết các rắc rối vẫn tồn tại trong xã hội mà đang từng ngày sản sinh ra những con quái vật".
Sự chia cắt giữa các tầng lớp dân cư cũng không biến mất hoàn toàn ngay cả trong cuộc tuần hành biểu dương tình đoàn kết ở Paris hôm 11/1, thu hút hàng triệu người và khoảng 40 lãnh đạo từ nhiều quốc gia tham dự. Đối với người dân ở một số khu ngoại ô, họ dường như cảm thấy mình chẳng liên quan tới những gì đang diễn ra, NYTimes đánh giá.
Tại Vaulx-en-Velin, hình ảnh duy nhất có liên hệ đến Charlie được nhìn thấy chỉ là những tấm biển hướng dẫn của trung tâm văn hóa Charlie Chaplin. Cư dân ở đây không hề để ý tới cuộc tuần hành với tâm điểm là biểu ngữ 'Tôi là Charlie".
Trong khi nhiều người lên án mạnh mẽ những kẻ tấn công vì hành vi giết người máu lạnh thì số khác lại nhất quyết cho rằng các họa sĩ vẽ tranh biếm họa nhận được những gì xứng đáng với việc họ đã làm.
Lãnh đạo địa phương nhận định thành phố với 44.000 dân này chính là mô hình thu nhỏ phản ánh chính sách hòa nhập cư dân thất bại của Pháp, đồng thời nhấn mạnh những vấn đề cơ bản chưa được tháo gỡ khiến xã hội trở nên chia rẽ đã đẩy người trẻ về phía tự cực đoan hóa.
Tại Clichy-sous-Bois, thanh niên ở đây nói họ thấy như đang sống ở một quốc gia khác, tách biệt với các phúc lợi kinh tế xã hội của đất nước, thậm chí là bị bỏ rơi. "Em có cảm giác mình bị tách biệt hoàn toàn khỏi nước Pháp", Karim Yahiaoui, 15 tuổi, chia sẻ và thêm rằng cậu mới chỉ rời khu mình sống chưa tới hai lần trong suốt một năm qua.
Thêm vào đó, trong vài thập kỷ trở lại đây, cộng đồng Hồi giáo ở Vaulx-en-Velin trở nên ngày càng khép kín. "Nhiều người chỉ tin tưởng và coi trọng những giá trị của riêng họ", Anne Dufaud, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Mission, từng làm công tác cộng đồng trong suốt 20 năm, nhận định.
Khi Tổng thống Pháp Francois Hollande dành một phút mặc niệm hôm 8/1 bày tỏ lòng tiếc thương tới các nạn nhân vụ thảm sát tại tòa soạn tạp chí trào phúng Charlie Hebdo, hai học sinh và một giáo viên giấu tên tại một trường ở khu vực ngoại ô cho biết nhiều học sinh còn từ chối đứng dậy thực hiện nghi lễ.
Patrick Kahn, giám đốc tại Ủy ban Quốc tế Chống Phân biệt Chủng tộc và Bài xích Do Thái ở Lyon, nhận xét "chính sách hòa nhập xã hội đã thất bại". "Các khu vực ngoại ô bị đẩy sang một bên trong kế hoạch phát triển của chính phủ, vì thế họ trở thành một cộng đồng tách biệt", ông giải thích.
"Chúng tôi chỉ yều cầu được tôn trọng đúng với giá trị bản thân", Mohamed Mokkadem, 37 tuổi, cư dân vùng ngoại ô, giám đốc điều hành công ty vận tải tư nhân SKL, nói. "Thông điệp tôi muốn gửi đi ư, khá đơn giản, đó là được nhìn nhận như những người Pháp đích thực".
Vũ Hoàng (theo New York Times)