Nếu bạn sống ở phương Nam và muốn thật sự tận hưởng cái rét miền Bắc vào mùa đông, hãy chọn thời điểm nhiệt độ được dự báo xuống thấp nhất để lên kế hoạch cho chuyến đi Sa Pa. Chỉ cần 3 ngày thôi, bạn sẽ đủ thời gian để đến một vài nơi tiêu biểu tại đây, tận hưởng tiết trời giá rét và ngắm cảnh đẹp của băng tuyết hiếm có. Thời điểm lý tưởng là từ giữa tháng 12 cho tới cuối tháng 1 hàng năm.
Phương tiện di chuyển
Đặt vé máy bay từ TP HCM ra Hà Nội: Tùy vào hãng hàng không và thời gian đặt vé mà giá có thể dao động 2 - 3 triệu đồng khứ hồi cho một người. Nên đặt vé trước hai tuần để có được mức giá tốt nhất. Chọn bay sáng sớm ngày đầu tiên (muộn nhất là cất cánh lúc 8h) để kịp đến Sa Pa khi trời chưa tối. Chuyến bay về khoảng từ 20h đến 21h.
Đặt vé xe từ Nội Bài đi Sa Pa: Hiện có rất nhiều hãng xe đủ loại, phần lớn là xe giường nằm, xuất phát từ Hà Nội đi thẳng lên đến Sa Pa hoặc dừng tại trạm Lào Cai, sau đó chuyển khách lên Sa Pa bằng xe 16 chỗ. Khi đặt xe giường nằm, nên chọn giường tầng dưới, tránh say xe.
Các xe này thường đón khách từ sân bay tại ngã tư Nội Bài (ngã tư Kim Anh) cách cổng sân bay khoảng gần 3 km (bùng binh đầu tiên giao giữa đường từ sân bay Nội Bài về Hà Nội thuộc đường Võ Văn Kiệt). Lưu ý chọn giờ hẹn xe đón khoảng từ 1 -1,5 tiếng sau khi máy bay hạ cánh để tránh cập rập. Chẳng hạn, nếu bạn hạ cánh lúc 11h thì nên đặt chuyến xe đón tại ngã tư Nội Bài lúc 12h hoặc 12h30. Trường hợp đáp muộn có thể báo ngay với nhà xe để đi chuyến sau. Nên đặt vé luôn cho chuyến về từ Sa Pa đến Nội Bài. Thời gian tối thiểu kể từ khi khởi hành ở Sa Pa cho đến khi máy bay cất cánh là 8 tiếng.
Lưu trú
Những khách sạn 4-5 sao hoặc các khu nghỉ dưỡng bên ngoài thị trấn có giá 2- 5 triệu đồng/đêm với phòng hai người, còn lại giá khách sạn tại trung tâm Sa Pa nhìn chung không quá đắt đỏ, có mức giá khoảng 500.000 đồng/đêm.
Du khách Sài Gòn đi 3 ngày thì đặt khách sạn 2 đêm ở phòng, bao gồm chiều ngày thứ nhất và trả phòng trưa ngày thứ 3.
Hành lý
Hầu hết các thời điểm trong năm, đặc biệt vào mùa lạnh (tháng 12 - 1), nhất thiết phải chuẩn bị áo rét, áo len, găng tay, tất (vớ), khăn choàng, mũ len, khăn trùm mặt, khẩu trang. Ngoài ra, nên chọn quần loại dày có thể chống rét. Lưu ý những người không chịu được lạnh, cần phải trang bị cẩn thận hơn, có thể mua các loại quần áo giữ nhiệt để mặc.
Thị trấn Sa Pa hiện như một đại công trình xây dựng (dự kiến còn kéo dài nhiều năm) nên đường phố hầu hết rất bẩn nhiều bùn ẩm ướt vì thế, nên chọn những loại giày tránh trơn và dính bẩn. Lành nhất vẫn là mang ủng khi dạo phố. Tránh mặc những loại trang phục rườm rà hoặc có màu dễ thấy bẩn khi dính bùn. Nếu bạn đi lần đầu, có thể ở trong thị trấn, nếu không thích hãy chọn những địa điểm yên tĩnh hơn ở ven thị trấn, để tránh tình trạng lộn xộn do xây dựng và xô bồ vì khách du lịch quá đông.
Lịch trình chi tiết
Ngày 1
Có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất trước giờ bay 2 tiếng, làm thủ tục, ký gửi hành lý (nếu có).
Đến Nội Bài, có thể gọi taxi tại cửa sân bay để đến ngã tư Nội Bài. Báo với taxi "cho dừng trước ngã ba cao tốc để chờ xe đi Sa Pa". Sau khi xuống taxi, có thể ngồi tại các quán ngô hay trứng luộc ven đường nghỉ chân để chờ xe.
Từ Nội Bài đến Sa Pa khoảng hơn 300 km, mất khoảng 6 giờ ngồi xe. Nhiều hãng chạy thẳng đến Sa Pa bằng xe giường nằm, tuy nhiên cũng có hãng chuyển khách sang xe nhỏ tại Lào Cai (cách Sa Pa khoảng 30 km). Quãng đường từ Nội Bài đến Lào Cai rất êm do đường cao tốc, song đoạn đường từ Lào Cai đến Sa Pa đèo dốc quanh co, tránh đi vào đêm vì không có đèn đường. Khuyến cáo nên chuẩn bị thuốc say tàu xe.
Tại thị trấn, các nhà xe thường trả khách tại chợ, taxi, xe ôm... luôn chờ đón và níu kéo. Nếu đi taxi, cách tốt nhất là chọn taxi tính km. Taxi ở Sa Pa thuộc diện có giá đắt nhất Việt Nam. Km đầu tiên có giá 17.500 đồng. Ngoài ra, một số tuyến đường tuy ngắn nhưng được cơ quan nhà nước quy định giá cao do đường khó đi, ví dụ từ chợ Sa Pa đến bản Cát Cát chỉ khoảng 3 km nhưng giá quy định khoảng 100.000 đồng. Đi ít người ít đồ đạc nên chọn xe ôm sẽ rẻ hơn nhiều.
Sau khi đón xe về khách sạn, khách nhận phòng nghỉ ngơi trước khi ra chợ dùng cơm tối. Bạn nên nhờ nhân viên khách sạn mua giúp vé đi cáp lên đỉnh Fansipan cho ngày hôm sau. Giá cáp 600.000 đồng/người, vé là một thẻ từ chỉ sử dụng trong ngày. Nếu bạn đi vào ngày không phải cuối tuần hay dịp lễ Tết thì không cần phải đặt trước, có thể mua trực tiếp tại nhà ga cáp treo.
Về ẩm thực, Sa Pa có một số loại đặc sản nên thử như cá tầm, cá hồi, lợn bản, nhưng ưu tiên hàng đầu là các loại rau tươi, thịt nướng. Những tháng cuối năm, nên ăn thử đĩa cải mầm đá xào, một đặc sản chỉ có ở vùng này.
Lẩu cá tầm, cá tầm nướng muối ớt, lẩu cá hồi có vị vừa ăn, cá rất tươi, song món lợn bản, lợn cắp nách dễ bị đông mỡ do trời lạnh. Các quán cháo, phở ở Sa Pa dù nhiều người địa phương đánh giá cao nhưng dân Sài Gòn nhận xét chỉ ở mức trung bình. Quang Minh (Xuân Viên), Thảo Hiền (đường Thạch Sơn)... là các quán ăn thường được khách phương Nam chọn bởi giá cả tốt, nêm nếm hợp vị.
Ăn uống xong, khách có thể đi bộ đến khu nhà thờ đá ở trung tâm để ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm hoặc ăn đồ nướng trước khi về nghỉ ngơi.
Ngày 2
Khách ăn sáng lúc 6h30 sau đó đón xe đi uống cà phê ngắm cảnh sương sớm hoặc băng giá. Điểm đến lý tưởng cho tách cà phê nóng khoảng 40.000 đồng là cà phê Haven tại khu Cát Cát. Quanh quán đó có những quán cà phê view đẹp nhất Sa Pa, khách có thể ngắm ruộng bậc thang, thung lũng, bản Cát Cát và toàn bộ thị trấn trên lưng chừng núi.
10h-10h30 đón taxi khởi hành lên Fansipan. Bạn cũng có thể thuê xe máy tự lái, đường đi có chỉ dẫn dễ dàng nên không sợ lạc. Lưu ý ăn mặc đầy đủ vì nhiệt độ trên đỉnh Fansipan rất thấp. Ngồi cáp lên trạm thứ nhất, tiếp tục leo khoảng 100 bậc thang để viếng chùa, ngắm toàn cảnh đồi núi, mây mù bao phủ. Nếu muốn lên đỉnh cao nhất, du khách phải leo thêm 600 bậc thang, hoặc mua vé tàu kéo 100.000 đồng cho hai lượt lên xuống.
12h30 xuống đỉnh, khách có thể dùng bữa trưa ở các quán nướng trước cổng Fansipan. Món cơm lam thịt nướng có giá khoảng 100.000 đồng (một ống cơm và hai xiên thịt đủ no cho mỗi người).
13h30 đón taxi đi Cổng Trời cách đỉnh khoảng 13 km, trên đường đi có thể ghé thăm thác Bạc, thác Tình Yêu. Trong ba điểm tham quan vừa kể, Cổng Trời là điểm đẹp nhất, tại đây, du khách có thể nhìn thấy cả thung lũng rộng lớn, con đường ôtô xuôi ngược Phong Thổ (Lai Châu). Tuy nhiên cảnh này chỉ xuất hiện lúc trời quang, không có sương mù. Giá taxi theo chuyến từ Fansipan hoặc trung tâm Sapa đến Cổng Trời - Thác Bạc - Thác Tình yêu khoảng 300.000 - 400.000 đồng khứ hồi. Lưu ý, trời mù thì không nên đi vì không nhìn thấy gì.
Về khách sạn nghỉ ngơi, dùng bữa tối, lai rai rượu thóc Sén Cù, rượu táo mèo hoặc bạn có thể chọn các hiệu massage chân bằng thuốc người Dao. Giá massage ở Sa Pa không rẻ, khoảng 200.000 đồng cho một suất chưa tính tiền tip, nhưng đây cũng là một đặc sản của Sa Pa, nhất là trong ngày giá rét, được ngâm chân vào chậu nước thuốc ấm thơm thơm.
Ngày 3
Đi chợ Sa Pa là một thú vui không thể bỏ qua khi đến nơi đây. Chợ bán nhiều rau củ tươi có thể mang về làm quà, thịt trâu gác bếp, hạt dẻ, táo mèo khô cũng là những đặc sản có thể chọn mua
9h30 bạn quay lại khách sạn chuẩn bị trả phòng, ra xe về lại Nội Bài. Do xe có ghé lại một điểm ăn uống nên không quá lo lắng nếu chưa kịp ăn trưa. Tuy nhiên cách tốt nhất vẫn là nên chuẩn bị sẵn thức ăn gọn nhẹ, không nặng mùi.
11h xe chạy từ Sa Pa. Xe đổ đèo cũng gây say xe nên người dễ say cần chú ý uống thuốc. Khoảng 17h xuống ngã tư Nội Bài, đón taxi vào sân bay để về lại TP HCM.
Theo Ngoisao