Trải qua thời gian dài kiếm sống ở TP HCM, tôi quyết định trở về Đà Nẵng lập nghiệp để được gần bố mẹ. Đây cũng là quyết định khiến tôi lâm vào trạng thái stress, trầm cảm suốt ba năm qua. Tôi vào TP HCM học tập và làm việc gần 10 năm, trong thời gian đó tôi đã quen với nhịp sống và cách sống của người miền Nam, rất phóng khoáng, tư duy nhạy bén, luôn phải theo vòng quay kiếm tiền. Lúc ở TP HCM tôi có nguồn thu nhập ổn định, tầm 30-40 triệu mỗi tháng, khi đó cuộc sống đối với tôi luôn là sự hạnh phúc và lạc quan.
Mọi thứ thay đổi 180 độ khi tôi trở về Đà Nẵng, cũng là khoảng thời gian dịch Covid phức tạp nhất, tôi bị sốc văn hóa lẫn kinh tế. Thu nhập của tôi giảm xuống, chỉ còn 1/3, mọi thứ ở đây diễn ra rất chậm, quy mô thị trường nhỏ, hầu như không có sự phát triển mạnh mẽ, vì vậy mặt bằng lương thưởng thấp mà chi phí sinh hoạt ở quận trung tâm vẫn cao. Vấn đề kinh tế và công việc tôi cũng tạm chấp nhận vì biết có những giá trị vô hình ở đây có được. Ví dụ hai tuần tôi sẽ được về nhà thăm bố mẹ, gần người thân và gia đình. Vấn đề khiến tôi stress và tiến tới trầm cảm trong ba năm qua chính từ gia đình.
Ba chị gái của tôi đều là viên chức nhà nước, các anh rể cũng làm trong cơ quan nhà nước. Tư duy, cách sống, tính cách của mọi người trong nhà trái ngược hoàn toàn với tôi. Bố mẹ và các anh chị nhiều lần khuyên tôi nên vào cơ quan nhà nước để ổn định cuộc sống nhưng tôi từ chối. Tôi thích kinh doanh, muốn đi nhiều để học hỏi nhiều, cố gắng tăng thêm thu nhập để đạt được những mục tiêu đề ra. Trái lại, cả sáu anh chị của tôi đều là những người thích ăn ngon mặc đẹp, thích hưởng thụ nhưng lười lao động. Điều đó ăn sâu trong tư duy của họ, trong khi kinh tế và nguồn thu nhập của anh chị thấp, lại không có thu nhập nào ngoài lương cơ sở sáu triệu đồng mỗi tháng.
Tôi nhiều lần góp ý rằng các anh chị hãy kiếm việc làm thêm để gia tăng thu nhập, sau này có điều kiện lo cho con cái. Họ đều không suy nghĩ và hành động. Nói thêm về ba người anh rể của tôi. Anh rể đầu tính cách tương đối tốt, làm cơ quan nhà nước, luôn có các khoản thu nhập riêng, chu đáo và lo kinh tế đầy đủ cho vợ con, không để vợ con phải thiếu thứ gì, đặc biệt ít khi so bì bên nhà vợ cho gì hay không. Bố mẹ và tôi đều rất thích tính cách của anh. Hai anh rể còn lại đều là những người rất tệ, lúc nào cũng thích sự nhàn hạ và đối xử tệ với các chị tôi. Tôi hiểu rất rõ, các anh cưới hai chị tôi cũng chỉ vì gia đình tôi có điều kiện lúc đó, hai anh không có chút tình cảm nào với hai chị.
Anh rể thứ hai làm nhân viên cho một cơ sở y tế ở quê, lương chỉ sáu triệu đồng mỗi tháng. Tổng thu nhập tháng của vợ chồng anh ngót nghét 10 triệu đồng, vừa phải lo kinh tế gia đình, lại cần có trách nhiệm nuôi bố mẹ anh vì là con út, trong khi bố mẹ anh khó khăn, không có thu nhập, không có lương hưu, mình chị tôi gồng gánh gia đình sáu miệng ăn. Có những lúc chị tâm sự, sáng dậy phải nhịn ăn sáng để dành tiền mua sữa cho con. Cưới nhau 10 năm mà anh rể không mua nổi cái điện thoại hay chiếc xe máy cho vợ, mọi thứ đều là của bố mẹ vợ sắm cho. Đã vậy anh rể còn lười nhác, cờ bạc và trăng hoa. Chị tôi nhiều lần muốn tự vẫn nhưng được bố mẹ can ngăn, khuyên bảo nên chị từ bỏ ý định đó. Mẹ lo lắng và nhiều lần khuyên nhủ rằng nếu không ở được thì ly hôn. Giờ chị an phận, bảo ở như vậy lấy phúc đức cho con cháu, tôi và bố mẹ cũng đành ngậm ngùi.
Cuối cùng là chị út của tôi: Chị là người khiến tôi phiền lòng nhất. Vợ chồng anh chị đúng là một cặp trời sinh, lười nhác và thích kiếm chuyện. Trong gia đình, chị được ba mẹ đầu tư nhiều nhất dù tôi mới là con trai duy nhất. Chị học kinh tế, sau đó được bố mẹ xin cho vào cơ quan nhà nước, rồi chị còn được cho đi học thạc sĩ, mua xe máy hai lần, tốn không ít tiền của của bố mẹ. Cứ tưởng với nền tảng như thế, chị sẽ kiếm được người chồng môn đăng hộ đối, lại có sự yêu thương dành cho chị nhưng không.
Chị và anh rể quyết định kết hôn khi chỉ quen nhau qua mạng hai tháng, gặp nhau ở ngoài đời đúng một tuần. Tôi không hiểu tại sao chị là dại khờ, vội vã đến vậy để rồi cưới phải người chồng hữu danh vô thực, không biết làm gì, cũng không có trách nhiệm với gia đình và tình yêu thương dành cho chị. Gia đình anh nghèo lắm, căn nhà cấp bốn đã cũ, bố mẹ anh không có đồng lương, kinh tế khá khó khăn. Kết hôn ba năm nhưng hơn 10 lần vợ chồng chị đòi ly hôn.
Điều đáng nói là anh chị cư xử như hai đứa con nít, cứ ngày hôm trước cãi nhau, đòi ly hôn, mang đơn ly hôn ra nói chuyện với bố mẹ thì ngày hôm sau lại ôm ấp nhau như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Tôi rất bực mình vì chị luôn hành hạ mẹ, có tôi ở nhà không sao, khi tôi đi vắng là chị lại chửi bới mẹ, bắt mẹ phải nấu ăn rồi chiều chuộng. Có chồng rồi mà chị cứ thích lên nhà ngoại ở, bảo ở nhà chồng khổ, mắc gì phải ở. Tôi bảo chị phải có cách giải quyết chứ cứ ở vậy cả đời sao được. Chị nói tôi biết cái gì mà ý kiến. Nhiều lúc tôi phát bực chuyện gia đình anh chị mà không muốn quay về thăm nhà.
Mỗi lần tôi trở về nhà chỉ là để thăm bố mẹ, nghĩ sau này bố mẹ già đi, không còn chỗ dựa dẫm rồi xem anh chị sẽ làm gì. Tôi luôn mong muốn gia đình mình bình an và thành đạt mỗi ngày để bố mẹ nở mày nở mặt với làng xóm, họ hàng. Giờ chứng kiến tư duy, cách hành xử và cuộc sống của các anh chị, tôi ngán ngẩm, chỉ biết dành hết tình cảm cho vợ con, không muốn nghĩ đến đại gia đình này nữa.
Thành
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc