Chỉ một năm trước, các nhà kinh tế trên thế giới đã ăn mừng sự phục hồi nhanh chóng sau suy thoái vì đại dịch. Giờ đây, họ đang lo lắng rằng đợt suy thoái tiếp theo có thể xuất hiện.
Ở Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang chuẩn bị đối phó với lạm phát cao bằng cách tăng mạnh lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán. Ở châu Âu, năng lượng đắt đỏ đang làm mất đi khả năng chi tiêu của người tiêu dùng và khiến các nhà máy hoạt động tốn kém hơn. Còn tại Trung Quốc, biến thể Omicron bùng phát đã khiến các nhà chức trách áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Theo The Economist, đó là một sự kết hợp ảm đạm đối với tăng trưởng toàn cầu và triển vọng đang tối dần. Một số nền kinh tế thậm chí có thể bị suy thoái vào những thời điểm khác nhau, tùy thuộc vào những trở ngại mà họ phải đối mặt.
Hãy xét từng mối nguy. Đầu tiên là nền kinh tế Mỹ đang phát triển quá nóng. Lạm phát giá tiêu dùng ở mức 7,9% và tiền lương theo giờ cao hơn 5,6% so với một năm trước. Mỹ có số lượng việc làm nhiều gấp gần hai lần số lao động thất nghiệp - tỷ lệ cao nhất trong 70 năm.
Trong phần lớn thời gian của năm 2021, các ngân hàng trung ương hy vọng rằng những người Mỹ nghỉ việc vì đại dịch sẽ quay trở lại, giúp hạ nhiệt thị trường lao động. Trong sáu tháng qua, kỳ vọng đó đã được đền đáp. Hơn một nửa số công nhân nghỉ việc trong độ tuổi lao động cơ bản đã trở lại. Tuy nhiên, tiền lương vẫn tăng, có lẽ do người lao động muốn thu nhập cải thiện hơn khi giá cả tăng cao đang làm xói mòn mức sống.
Fed cần hạ tỷ lệ tăng trưởng tiền lương cũng như giá cả nếu muốn đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Họ dự kiến tăng lãi suất ngắn hạn, từ mức dưới 0,25% hồi đầu năm lên hơn 2,5% vào tháng 12 và sẽ tiếp tục tăng lãi suất trên 3% vào năm 2023. Tuần này, Fed đã lên kế hoạch thu hẹp 8.500 tỷ USD trái phiếu năm giữ từ tháng 5, với tốc độ nhanh hơn nhiều so với thời kỳ thắt chặt định lượng vừa qua.
Vấn đề là dùng công cụ tiền tệ để can thiệp dù cần thiết nhưng gây nguy hiểm cho tăng trưởng. Lịch sử cho thấy rằng Fed khó có thể hạ nhiệt thị trường việc làm mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Họ đã "hạ cánh mềm" - tức triển khai các nỗ lực để ngăn chặn nền kinh tế nóng lên quá mức, hoặc gặp phải lạm phát cao - chỉ ba lần kể từ năm 1945.
Và Fed chưa bao giờ "hạ cánh mềm" trong trường hợp cần chống chọi với lạm phát cao. Các nhà đầu tư trái phiếu đang đặt cược rằng trong hai năm tới Fed sẽ phải cắt giảm lãi suất một lần nữa, khi nền kinh tế suy yếu. Với kỷ lục này, có khả năng xảy ra suy thoái trong giai đoạn đó.
Châu Âu cũng có vấn đề về lạm phát, nhưng nguyên nhân là năng lượng và thực phẩm nhập khẩu đắt đỏ, hơn là bởi tăng trưởng nóng. Khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đe dọa nguồn cung cấp năng lượng của lục địa này. Giá khí đốt cho mùa đông tới cao gấp 5 lần so với ở Mỹ và chi tiêu cho năng lượng gia đình cao gần gấp đôi so với tỷ trọng GDP. Khi giá năng lượng tăng cao, niềm tin của người tiêu dùng đã sụt giảm. Các công ty cũng đang gặp khó khăn. Sản xuất công nghiệp của Pháp đã giảm trong tháng 2.
Nhìn chung nền kinh tế của khu vực đồng euro có thể sẽ vẫn tăng trưởng năm nay nhưng khá mong manh. Liệu châu Âu có nên ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga - dù nước này chọn hay Điện Kremlin quyết định cắt nguồn cung cấp - thì nguy cơ suy thoái sẽ gia tăng.
Bên cạnh đó, mối đe dọa mang tính nghiêm trọng và tức thời đối với tăng trưởng toàn cầu từ sự bùng phát Covid-19 ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nước này đã báo cáo hơn 20.000 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron vào ngày 6/4. Do quan điểm chống dịch "Zero Covid", 26 triệu cư dân của Thượng Hải và những người ở các thành phố lớn khác có dịch bùng phát, đang bị phong tỏa.
Theo Goldman Sachs, nếu mối quan hệ giữa phong tỏa và GDP tương tự như quá khứ thì sản lượng GDP tính theo thời gian thực của Trung Quốc sẽ thấp hơn 7,1% so với việc không có hạn chế. Việc phong tỏa cũng sẽ làm gián đoạn thương mại toàn cầu, vốn vẫn đang chật vật từ khi có đại dịch. Thượng Hải là cảng toàn cầu mới nhất chứng kiến hàng trăm con tàu ngược xuôi ngoài khơi, chờ bốc hoặc dỡ hàng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc giục các quan chức tính toán cắt giảm các tổn thất do hạn chế chống dịch. Nhưng nếu họ mở cửa quá sớm, Trung Quốc đại lục sẽ chứng kiến một làn sóng lây nhiễm và tử vong giống như những gì gần đây đã xảy ra với Hong Kong.
Điều đó sẽ khiến người tiêu dùng sợ hãi và trở thành nguồn gốc gây ra gián đoạn kinh tế theo đúng nghĩa của nó. Cho đến khi Trung Quốc tiêm phòng cho người cao tuổi với số lượng đủ lớn bằng cách sử dụng các mũi tiêm hiệu quả nhất, thì việc phong tỏa sẽ là một lựa chọn tiếp tục của nước này và cũng là nguồn gốc của sự biến động kinh tế toàn cầu.
Với cả 3 nguy cơ này, các nhà hoạch định chính sách thường bị đổ lỗi cho việc gây ra các rắc rối cho nền kinh tế thế giới. Fed thì tăng lãi suất ngay khi nền kinh tế hồi sinh, được ví như việc cất lại đồ uống khi mọi người bắt đầu nhập tiệc. Các chính phủ châu Âu thì đối diện thách thức cũng từ việc họ để mình phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga. Và Trung Quốc phải gặp khó thế nào trong việc dập dịch cũng là điều có thể dự đoán được. Trong lịch sử, các rắc rối với nền kinh tế thường ập đến bất ngờ. Nhưng ngày nay, cả 3 đều là những thứ vốn có thể biết trước được và có khả năng tránh được.
Phiên An (theo The Economist)