Tại cuộc bầu cử vùng ngày 13/3, đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của bà Angela Merkel bị đánh bại tại hai trong số ba bang tham gia bầu cử. CDU chỉ nhận được 27% số phiếu bầu, mức thấp kỷ lục, tại Baden Wuerttemberg, nơi được coi là thành trì của đảng này, và ở vị trí thứ hai sau đảng Xanh, theo AFP.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, CDU để mất vị trí là đảng mạnh nhất tại bang miền tây nam nước Đức. Kết quả tồi tệ chưa từng có này của đảng cầm quyền khiến giới truyền thông Đức gọi ngày 13/3 là "chủ nhật kinh hoàng của Merkel", thậm chí nhật báo Tagesspiegel còn gọi thất bại này là "cơn địa chấn chính trị của nước Đức".
Nhà bình luận Delphine Nerbollier của La Croix cho rằng còn một bất ngờ khác đã góp phần tạo nên cơn địa chấn chưa từng có đối với nền chính trị Đức trong nhiều năm qua. Đó là việc đảng có tư tưởng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đã bất ngờ giành ghế ở nghị viện cả ba bang Rheinland-Pfalz, Sachsen-Anhalt và Baden-Würtemberg. Nguyên nhân chủ yếu là đảng này đã tiến hành cuộc vận động tranh cử với nội dung chỉ trích việc bà Merkel đồng ý tiếp nhận số lượng người nhập cư khổng lồ hồi năm 2015.
"Điều này phản ánh thực tế là đang có một số lượng không nhỏ cử tri Đức không đồng tình với các chính sách của Thủ tướng Merkel. AfD đã tranh thủ tâm lý bất mãn để thu hút lá phiếu của những cử tri dao động, và thậm chí của nhiều cử tri thuộc các đảng chính trị lâu đời khác", Nerbollier khẳng định.
Các chuyên gia nhận định, sự nổi lên mạnh mẽ của một đảng cực hữu vốn bị phản đối như AfD trong bối cảnh hiện nay sẽ là một sức ép không nhỏ đối với liên minh cầm quyền của Thủ tướng Merkel, buộc bà phải xem xét lại các chính sách đang duy trì, đặc biệt là chính sách liên quan đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư.
Jérôme Vaillant, giáo sư chính trị thuộc đại học Lille, Pháp, đánh giá rằng thất bại lần này chứng tỏ chính phủ của bà Merkel đang phải đối mặt với tâm lý mất kiên nhẫn ngày càng tăng của cử tri. Nếu không nhanh chóng giải quyết được vấn đề thì chắc chắn bà sẽ không còn là người đứng đầu nước Đức sau cuộc bầu cử liên bang vào năm 2017.
"Bà Merkel đã nhiều lần tuyên bố cần phải có thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư. Nhưng thất bại này cho thấy sự mất kiên nhẫn đang gia tăng, đặc biệt là sau các vụ tấn công tình dục ở Cologne. Những tiếng nói bất đồng ngày càng lớn, khiến tiếng nói của chính phủ đang suy yếu", Vaillant nhận định.
Vững vàng
Bất chấp thất bại của CDU, ngày 14/3, Thủ tướng Merkel vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi lộ trình nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư mà bà dày công theo đuổi trong nhiều tháng qua.
Bà Merkel thừa nhận việc CDU phải hứng chịu thất bại chưa từng có là do chính sách nhập cư của bà chưa làm thỏa mãn một bộ phận dân Đức. Tuy nhiên, sau cuộc gặp tại Berlin với lãnh đạo các đảng phái, bà nhấn mạnh: "Tôi tin chắc rằng chúng ta cần một giải pháp toàn diện, có quy mô trên toàn châu Âu, song giải pháp này cần có thời gian".
Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích chính trị Đức đánh giá rằng kết quả cuộc bầu cử vẫn phản ánh sự ủng hộ của người dân đối với chính sách của bà Merkel.
Các chính trị gia giành chiến thắng thuộc đảng Xanh và đảng Dân chủ xã hội (SPD) đều là những người ủng hộ mạnh mẽ các chính sách của bà Merkel hơn một số ứng cử viên của CDU, những người đã khiến tỷ lệ ủng hộ đảng mình giảm sút sau khi tự tạo khoảng cách với nữ thủ tướng Đức.
Nhà nghiên cứu Wolfgang Neugebauer thuộc Đại học Berlin cho rằng ngay chính trong nội bộ CDU cũng có nhiều người nghi ngờ về chính sách nhập cư của bà Merkel và thường xuyên chỉ trích bà trên các phương tiện truyền thông. Hôm 12/1, 41 nghị sĩ của CDU đã ký tên vào bức thư gửi dinh Thủ tướng yêu cầu phải có những thay đổi trong chính sách này.
Tuy nhiên kết quả bất lợi của đảng trong cuộc bầu cử khiến họ có thể vì mục tiêu chung mà ngừng công khai phản đối bà, bởi nếu tiếp tục các hành động như vậy, họ sẽ tự tay "nhấn chìm con thuyền CDU". Điều này có thể đảm bảo phần nào uy tín chính trị cho bà Merkel và giúp giảm bớt sự ủng hộ của các cử tri đối với AfD trong thời gian tới.
Mặt khác, nhiều chuyên gia đánh giá rằng thành công lần này của AfD chỉ có thể gây hiệu ứng như một "cơn lốc chính trị" nhỏ, và càng có tác động thúc đẩy liên minh cầm quyền của bà Merkel xem xét lại các kế hoạch chính trị và chiến lược liên kết để tạo ưu thế về sức mạnh, nhằm thu hút các cử tri "lạc lối" quay lại và trung thành hơn với CDU.
Nhà báo Lothar Ruhl, chuyên gia nghiên cứu chính trị độc lập nhận định rằng tâm lý vững vàng của bà Merkel xuất phát từ những phân tích, đánh giá của bà cùng đội ngũ cố vấn về hiện tượng đảng cực hữu AfD. Thủ tướng Đức vẫn tin tưởng và hy vọng rằng sự thành công AfD chỉ mang tính nhất thời, và đảng này sẽ nhanh chóng thất bại nếu bà có thể giải quyết các vấn đề đang gây tâm lý bất mãn trong cử tri.
"AfD chỉ là một đảng phái đang gây ra tâm lý tranh cãi và phản đối. Nước Đức sẽ vượt qua khó khăn với khẩu hiệu 'chúng ta sẽ thành công', bởi đất nước chúng ta giàu có và hùng mạnh", nữ Thủ tướng Đức tuyên bố.
Nguyễn Hoàng