Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 16/2 khi gặp Thủ tướng Angela Merkel tại Hội nghị An ninh Munich đã thúc giục Đức điều chiến hạm đi qua eo biển Kerch nằm giữa bán đảo Crimea và đại lục Nga để chứng tỏ phương Tây không từ bỏ quyền tiếp cận khu vực Biển Azov. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel đã từ chối yêu cầu này của Mỹ, Bloomberg ngày 8/3 đưa tin.
Bà Merkel từng tuyên bố sẵn sàng phối hợp với Pháp triển khai đội tàu chiến thực hiện hành trình đi qua eo biển Kerch, nhưng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khi đó nói rằng hành động này là "không đủ để giải quyết vấn đề" và đòi eo biển Kerch phải được mở cho mọi tàu thuyền qua lại tự do.
Pháp cũng từ chối tham gia vào hoạt động này, đánh giá rằng việc điều động chiến hạm vào Biển Azov là hành động khiêu khích Nga không cần thiết, theo một quan chức giấu tên. Người phát ngôn của Thủ tướng Merkel chưa bình luận về thông tin này.
Để điều động chiến hạm qua eo biển Kerch tiến vào Biển Azov, Đức cần sự chấp thuận của cả Nga và Ukraine, bởi hai nước này từng ký thỏa thuận năm 2003 xác định Biển Azov là vùng nước nội thủy. Tổng thống Poroshenko muốn các nước phương Tây điều tàu chiến Biển Azov, nhưng Nga tuyên bố khu vực cầu Crimea bắc qua eo biển là lãnh hải của nước này và yêu cầu mọi tàu thuyền phải xin phép để đi qua.
Mỹ vào đầu tháng 3 triển khai khu trục hạm USS Donald Cook tới khu vực phía nam eo biển Kerch nhằm gửi tới Nga thông điệp "Biển Đen là vùng biển quốc tế, Mỹ và NATO có quyền đi qua và bay qua khu vực này". Nga điều động hộ vệ hạm mang tên lửa dẫn đường Đô đốc Essen giám sát chặt chẽ khu trục hạm USS Donald Cook ngay khi chiến hạm này vượt qua eo biển Bosphorus, Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và khánh thành cầu Crimea nối bán đảo này với đất liền tháng 5/2018. Quan hệ giữa Nga với Ukraine trở nên căng thẳng sau sự kiện ba tàu hải quân Ukraine bị cảnh sát biển Nga bắt vào tháng 11/2018. Các thủy thủ trên tàu chiến Ukraine bị cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga, trong khi Kiev tuyên bố họ chỉ thực hiện quyền tự do hàng hải.
Nguyễn Tiến