"Đối với tôi, trở thành công dân Mỹ đánh dấu khởi đầu của một tương lai chắc chắn. Vào đúng thời điểm đó, tôi vĩnh viễn trút bỏ gánh nặng về mối nghi hoặc có thể sống ở Mỹ hay không. Tôi hy vọng các bạn cũng đang có được cảm giác nhẹ nhõm tương tự ngay lúc này", cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump phát biểu trước 25 công dân mới nhập tịch trong buổi lễ tại thủ đô Washington ngày 15/12.
Bà Melania, 53 tuổi, kể lại hành trình nhập cư của mình. Bà sinh ra ở Slovenia và chuyển đến thành phố New York năm 1996 với mong muốn nước Mỹ trở thành nơi sinh sống lâu dài.
Bà tìm hiểu và đến các đại sứ quán "với mục tiêu xin được thị thực lao động". Theo cựu đệ nhất phu nhân Mỹ, quá trình nhập cư là một thách thức.
"Kinh nghiệm cá nhân của tôi khi vượt qua thách thức đã giúp tôi mở rộng tầm mắt về thực tế khắc nghiệt mà người nhập cư phải đối mặt, trong đó có các bạn, những người nỗ lực trở thành công dân Mỹ", bà Melania cho hay, thêm rằng bà may mắn khi được tư vấn pháp lý trong quá trình đó.
Năm 2001, bà Melania được cấp thẻ xanh thông qua chương trình visa dành cho những người có "năng lực đặc biệt" EB-1, còn được gọi là Einstein Visa. Bà trở thành công dân Mỹ vào năm 2006, trước cha mẹ bà 12 năm.
Bà vỗ tay hoan nghênh 25 công dân Mỹ mới và kêu gọi họ hãy "tự hào về bản thân, giữ vững lập trường và nắm lấy những cơ hội ở phía trước".
Kể từ khi rời Nhà Trắng, bà Melania hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Lần xuất hiện gần nhất của bà diễn ra tháng trước, khi tới dự lễ tang cựu đệ nhất phu nhân Rosalynn Carter.
Ông Donald Trump, người sẽ tái tranh cử tổng thống năm tới, luôn thúc đẩy chính sách nhập cư cứng rắn, nhắm vào số lượng lớn người không có giấy tờ hợp lệ đang sống và làm việc nhiều năm qua ở Mỹ. Ông Trump đang dẫn trước các đối thủ, trong đó có Tổng thống Joe Biden, trong những cuộc thăm dò cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Đây không phải lần đầu tiên bà Melania nói về việc nhập tịch Mỹ. Hồi năm 2020, bà có bài phát biểu được đón nhận nồng nhiệt tại hội nghị đảng Cộng hòa khi nói về các nạn nhân Covid-19 và kể câu chuyện nhập cư của mình để kêu gọi hòa hợp chủng tộc.
Huyền Lê (Theo AFP, Hill)