Súng QBZ-95 sử dụng trong thực tế
Các loại vũ khí bộ binh của Trung Quốc trước đây đều là thiết kế nước ngoài được Bắc Kinh mua giấy phép chế tạo hoặc sao chép trái phép. Tuy nhiên, trong bối cảnh nước này đang hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc đã tự thiết kế và sản xuất được nhiều mẫu súng có uy lực không thua kém các vũ khí cùng loại của Nga và phương Tây, theo National Interest.
Súng trường tấn công QBZ-95
QBZ-95 là vũ khí hiện đại đầu tiên do Bắc Kinh tự thiết kế và sản xuất. Bắt đầu được biên chế trong thập niên 1990, QBZ-95 trở thành súng trường tấn công tiêu chuẩn trong quân đội, cơ quan an ninh và cảnh sát vũ trang Trung Quốc.
Đây là mẫu súng ứng dụng thiết kế "bullpup", trong đó cụm cò nằm trước bộ khóa nòng và hộp tiếp đạn, giúp duy trì chiều dài nòng trong khi rút ngắn độ dài tổng thể của súng. Thiết kế này giúp QBZ-95 sở hữu nòng dài hơn, tầm bắn và sơ tốc đầu nòng lớn hơn so với mẫu M4 của Mỹ, trong khi chiều dài tổng lại ngắn hơn. Nhược điểm của thiết kế bullpup là người thuận tay trái khó sử dụng, cũng như không thể điều chỉnh báng súng để phù hợp với chiều dài tay của từng xạ thủ.
QBZ-95 sử dụng hộp tiếp đạn 30 viên cỡ 5,8 x 42 mm do Trung Quốc tự thiết kế. Các chuyên gia chưa xác định được lý do Trung Quốc biên chế đạn 5,8 x 42 mm, trong khi họ thừa khả năng sao chép loại đạn 5,56 x 45 mm NATO và 5,45 x 39 mm Nga rất phổ biến trên thế giới. Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho rằng Bắc Kinh muốn ngăn đối phương dùng các loại đạn thông thường trên QBZ-95, phòng trường hợp súng rơi vào tay địch.
QBZ-95 áp dụng thiết kế trích khí và khóa nòng xoay giống dòng AK của Liên Xô. Ngoài phiên bản súng trường tiêu chuẩn dài 76 cm, QBZ-95 còn có hai biến thể khác để đáp ứng các nhiệm vụ khác nhau. Phiên bản carbine dài 61 cm giúp QBZ-95 nhỏ gọn như tiểu liên, nhưng vẫn có hỏa lực ngang súng trường tấn công. Trong khi đó, bản súng máy yểm trợ có nòng dài 84 cm và trang bị hộp tiếp đạn hình trống chứa 75 viên, chuyên dùng để chế áp hỏa lực đối phương, tương tự mẫu RPK của Liên Xô.
Phiên bản QBZ-95-1 sau này được phát triển với nòng súng dài và dày hơn, cho phép khai hỏa liên tục trong thời gian dài, hãm đầu nòng giúp giảm độ giật của súng, cùng cải tiến cho xạ thủ thuận tay trái. QBZ-95-1 có thể bắn đạn cải tiến DBP-10 có uy lực ngang mẫu M855 của Mỹ, đặc biệt ở khoảng cách xa.
Tiểu liên QCW-05
Khác với phương Tây, quân đội Trung Quốc vẫn coi trọng súng tiểu liên, thúc đẩy họ phát triển mẫu tiểu liên giảm thanh QCW-05. Mẫu súng này có vẻ bề ngoài khá giống súng trường QBZ-95, sử dụng thiết kế bullpup, trang bị hộp tiếp đạn 50 viên cỡ 5,8 x 21 mm kém uy lực hơn. QCW-05 được lắp một ống giảm thanh có thể tháo lắp tùy từng nhiệm vụ.
Tiểu liên QCW-05 thường được biên chế cho các lực lượng đặc nhiệm thuộc cảnh sát Trung Quốc. Nhiều khả năng nó cũng là vũ khí tiêu chuẩn cho quân cảnh và lực lượng tên lửa chiến lược của Bắc Kinh.
Súng ngắn QSZ-92
QSZ-92 là súng ngắn tiêu chuẩn biên chế cho binh sĩ Trung Quốc. Súng có bề ngoài các mẫu súng phương Tây, bên trong chia thành 4 bộ phận chính, gồm vỏ làm bằng vật liệu nhựa tổng hợp, nòng thép, khung thép và rãnh thép gắn cụm máy súng. QSZ-92 sử dụng đạn cỡ 5,8 x 21 mm. Kích thước đạn nhỏ hơn mẫu 9x19 mm Parabellum giúp hộp tiếp đạn của QSZ092 chứa được 15-20 viên, nhiều hơn hầu hết các loại súng ngắn hiện nay của Mỹ và NATO.
Việc Trung Quốc quyết định sử dụng cỡ đạn 5,8 mm cho nhiều loại vũ khí khác nhau vẫn là một bí ẩn. Súng bộ binh phương Tây có sự phân chia rõ ràng về cỡ đạn, như đạn 7,62 mm dùng cho súng máy và súng bắn tỉa, đạn 5,56 mm cho súng trường tấn công và súng carbine, đạn 9 mm chỉ dành cho súng ngắn và tiểu liên.
Trong khi đó, Trung Quốc có ít nhất 4 loại đạn 5,8 mm khác nhau cho súng máy, súng trường tấn công, tiểu liên và súng ngắn. Điều này có thể gây khó khăn và nhầm lẫn lớn cho vấn đề hậu cần thời chiến. Binh sĩ có thể hết đạn 5,8 x 42 mm cho súng trường nhưng đưa ra yêu cầu quá ngắn gọn như "cần đạn 5,8 mm", khiến lực lượng hậu cần bối rối và cung cấp đạn cỡ 5,8 x 21 mm dành cho tiểu liên và súng ngắn ra tiền tuyến.
Bắc Kinh đang dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào vũ khí hiện đại của nước ngoài nhờ hàng loạt thiết kế nội địa. Đây là một thành tựu đáng kể với quốc gia thường xuyên phải sao chép hoặc mua giấy phép chế tạo khí tài như Trung Quốc, chuyên gia Mizokami nhận định.
Duy Sơn