Theo SCMP, bà Mạnh sẽ giữ vai trò mới của Huawei trong 6 tháng, kéo dài đến hết 30/9. Sau thời gian này, vị trí sẽ được chuyển giao cho một trong hai lãnh đạo khác là Ken Hu Houkun và Eric Xu Zhijun. Việc đảm nhận được cho là đã được thông qua trọng cuộc họp hội đồng quản trị Huawei ngày 28/3. Huawei từ chối bình luận.
Thông tin về việc bà Mạnh được bổ nhiệm làm chủ tịch luân phiên Huawei có từ tháng 4/2022. Nhưng khi đó, nguồn tin không nêu rõ khi nào nhiệm kỳ của bà bắt đầu. Chủ tịch luân phiên hiện tại là ông Zhijun.
Mạnh Vãn Chu là con gái lớn của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Cuối năm 2018, bà bị bắt ở Vancouver theo yêu cầu của Mỹ và bị giam lỏng cho đến tháng 9/2021. Bà được thả sau khi đạt thỏa thuận hoãn truy tố của Bộ tư pháp Mỹ.
Ngày 28/3/2022, "công chúa Huawei" lần đầu xuất hiện trước công chúng trong buổi công bố kết quả tài chính 2021 của công ty. Bà cho biết sau gần ba năm bị quản thúc, thế giới dường như đã thay đổi rất nhiều. "Trong 6 tháng qua, tôi đã cố gắng học hỏi mọi thứ để bắt kịp với cuộc sống", bà chia sẻ khi đó.
Theo giới quan sát, nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của bà Mạnh diễn ra vào giai đoạn quan trọng, khi Huawei đang phải đối mặt với hàng loạt áp lực ngày càng tăng từ Mỹ. Hãng công nghệ Trung Quốc bị Mỹ áp đặt nhiều lệnh kiểm soát xuất khẩu kể từ năm 2019, cắt đứt nguồn cung chip bán dẫn từ các công ty Mỹ và ngăn Huawei tiếp cận thiết bị thiết kế có sử dụng công nghệ Mỹ. Gần đây nhất, một báo cáo cho thấy Mỹ có thể cấm cửa hoàn toàn Huawei.
Trước các lệnh cấm, Huawei tìm cách thay đổi. Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi cho biết công ty không còn đặt tham vọng lớn, thay vào đó mục tiêu là sự sống còn. Khi lên nắm quyền, bà Mạnh được dự đoán sẽ tiếp tục mục tiêu này trước khi nghĩ đến tương lai xa hơn.
Ông Nhậm có ba người con trong hai cuộc hôn nhân. Theo NY Times, hai người còn lại là Son Ren Ping không quan tâm đến kinh doanh, và Annabel Yao theo đuổi lĩnh vực giải trí. Do đó, bà Mạnh được cho là cuối cùng sẽ lên làm lãnh đạo cao nhất của Huawei, bất chấp ông Nhậm từng nhấn mạnh bà "không có nền tảng kỹ thuật".
Bảo Lâm