Hoạt động ngoại khóa là một trong các yếu tố then chốt trong xét tuyển đầu vào đại học ở Mỹ, bên cạnh bảng điểm, bài luận và thư giới thiệu, theo bà Cristina Bain, cố vấn giáo dục độc lập, diễn giả tại hội thảo của Đại sứ quán Mỹ hôm 25/5.
Bà Cristina có chứng chỉ đào tạo về tư vấn tuyển sinh của Đại học California ở thành phố Los Angeles (UCLA). Theo Đại sứ quán Mỹ, trong 10 năm là tư vấn giáo dục độc lập ở Hà Nội, bà đã giúp nhiều học sinh Việt Nam và khắp thế giới vào đại học Mỹ.
Bà Cristina cho hay, lý do khiến hoạt động ngoại khóa được xem trọng là vì các trường muốn xem ứng viên là người như thế nào, có các hoạt động gì ngoài việc học ở trường, lớp.
"Họ cũng muốn biết cách bạn tương tác với mọi người và sự hiểu biết về thế giới. Bởi vì những gì bạn làm có ảnh hưởng tới việc bạn sẽ trở thành người thế nào trong tương lai", bà Cristina nói.
Sau đây là ba lưu ý về hoạt động ngoại khóa để chuẩn bị cho hồ sơ du học Mỹ, theo bà Cristina:
Bắt đầu từ lớp 9
Ngoại khóa có thể chia thành các loại như hoạt động mang tính sáng tạo, trải nghiệm công việc, khả năng lãnh đạo, mối quan tâm hay sở thích cá nhân... Theo bà Cristina, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu hoạt động ngoại khóa nhưng nên chuẩn bị sớm.
"Lớp 9 là thời điểm bắt đầu phù hợp và xuyên suốt đến lớp 12", bà nói, cho hay ở năm lớp 9, các em nên tham gia bất cứ hoạt động gì hứng thú. Đây là khoảng thời gian rảnh rỗi nhất ở trường trung học, vì vậy hãy thử sức cho đến khi tìm thấy đam mê.
Sang lớp 10, học sinh hãy tập trung vào một số hoạt động nhỏ, củng cố các kỹ năng và theo đuổi sở thích của mình. Lớp 11 được xem là năm bản lề để tích lũy kinh nghiệm. Học sinh có thể tìm kiếm vai trò lãnh đạo trong các câu lạc bộ và đội nhóm, làm một công việc hay thực tập để mở rộng kiến thức.
Lớp 12, khi các em bận rộn với các kỳ thi chuẩn hóa và chuẩn bị hồ sơ cho kỳ nộp đơn sớm tháng 11, hãy thử điều gì đó bản thân quan tâm hoặc phù hợp với sở thích học tập.
Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, theo bà Cristina, học sinh có thể tập trung vào bốn lĩnh vực gồm hoạt động học tập, dịch vụ, lãnh đạo hay sở thích cá nhân. Điều quan trọng là liên kết nó với lĩnh vực đã chọn, chẳng hạn như làm tình nguyện viên cứu hộ động vật nếu muốn học chuyên ngành thú y.
Hoạt động ngoại khóa phù hợp với ngành học
Bà Cristina cho biết có hai thuật ngữ chỉ hoạt động ngoại khóa, gồm "extracurricular" và "supercurricular". Supercurricular dùng để chỉ những hoạt động liên quan trực tiếp tới mối quan tâm học thuật của ứng viên, còn extracurricular ngược lại, tức hoạt động ngoại khóa có thể không liên quan đến môn học mà ứng viên quan tâm.
Trong khi phần lớn đại học ở Anh và Australia coi trọng "supercurricular", thì các trường ở Mỹ và Canada quan tâm đến "extracurricular", theo bà Cristina. Do đó, học sinh cần biết cách chuẩn bị và hướng hoạt động ngoại khóa sao cho phù hợp với điểm đến du học của mình.
Chẳng hạn, với học sinh muốn xin học bổng ngành Sinh học và Hóa sinh ở Mỹ hay Canada, bà Cristia gợi ý em này nên có trải nghiệm liên quan đến phòng thí nghiệm hay nghiên cứu khoa học như trợ lý nghiên cứu, tình nguyện viên dạy STEM (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học). Ngoài ra, vì ứng viên thích chơi bóng rổ, guitar điện tử, vĩ cầm và quan tâm tới khởi nghiệp, do đó có thể triển khai một số hoạt động kinh doanh nhỏ; tổ chức sự kiện âm nhạc từ thiện hay dạy trẻ em chơi đàn, lập ban nhạc.
"Bạn ấy muốn học ngành Sinh học và Hóa sinh nên các trường sẽ rất ấn tượng nếu có trải nghiệm trong phòng nghiên cứu hay công việc liên quan", bà nói.
Coi trọng chất lượng hơn số lượng
Khi tư vấn cho phụ huynh và học sinh, bà Cristina thường nhận được câu hỏi "cần bao nhiêu hoạt động ngoại khóa?". Chuyên gia cho hay đơn đăng ký đại học không có yêu cầu cụ thể về số hoạt động ngoại khóa nhưng ứng viên nên quan tâm tới chất lượng của hoạt động, thay vì số lượng, tức tham gia những hoạt động mà mình quan tâm và phù hợp.
Theo một khảo sát của US News & World Report, 72% nhân viên tuyển sinh muốn học sinh tập trung vào một chủ đề liên tục, hơn là tham gia nhiều hoạt động khác nhau. Bà Cristina nêu ví dụ giữa một học sinh đi tình nguyện ở Mai Châu trong ba tuần và một em khác dạy tiếng Anh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mỗi tuần hai tiếng liên tục trong 6 tháng, ban tuyển sinh thường lựa chọn người thứ hai.
"Các trường dựa vào một số tiêu chí như mức độ tham gia, thời gian tham gia, vị trí, trách nhiệm để đánh giá hoạt động ngoại khóa của bạn. Hồ sơ gồm nhiều hoạt động cho thấy ứng viên năng động nhưng không thể hiện sự cam kết, gắn bó và liên tục", bà giải thích.
Ngoài các yếu tố trên, chuyên gia tư vấn cho hay một hồ sơ mạnh còn cần có điểm tốt từ lớp 9 đến lớp 12, điểm SAT, IELTS hoặc TOEFL, thư giới thiệu và chứng minh khả năng tài chính của gia đình. Nếu học trường công lập, học sinh có thể xin thư giới thiệu của giáo viên chủ nhiệm, trong khi ở trường tư là các cố vấn học tập.
Bình Minh