Tại hội nghị "Kết nối hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam với Đông Nam Á" tổ chức tại TP HCM ngày 11/11, ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng, nguồn nhân lực lao động phổ thông và kỹ sư trình độ cao dồi dào là một trong ba lợi thế quan trọng để phát triển ngành vi mạch trong nước. Theo ông, mỗi năm Việt Nam có 50.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Con số này tăng trưởng ổn định trong hơn 10 năm qua và có xu thế tiếp tục tăng.
Lợi thế thứ hai theo ông Long là hệ thống các khu công nghệ cao, khu công nghệ tập trung tại các trung tâm kinh tế của cả nước như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng tạo không gian làm việc, cộng đồng doanh nghiệp ICT lớn. Trong số này có nhiều doanh nghiệp với vai trò dẫn dắt như Viettel, FPT... các startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực ICT.
Khung thể chế dần hoàn thiện là lợi thế thứ ba mà ông Long đề cập khi nhấn mạnh vai trò của Chính phủ ban hành nhiều chính sách và hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho ưu tiên đầu tư và phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, trong đó vi mạch bán dẫn được coi là ưu tiên hàng đầu.
Ông cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn thiện dự thảo chiến lược phát triển ngành công nghiệp ICT trình Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ cũng nghiên cứu đề xuất trình Quốc hội thông qua Luật phát triển ngành vi mạch với mong muốn hoàn thiện thể chế cho ngành công nghiệp ICT.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, với sự phát triển các khu công nghệ cao ở vị trí thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào đã trở thành điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất chip của thế giới như Intel, Samsung... và các công ty thiết kế chip như Synopsys, Renesas....
Ở trong nước, hồi tháng 9, một doanh nghiệp sản xuất chip thuộc Tập đoàn FPT đã ra mắt sản phẩm đầu tiên trong lĩnh vực IoT ứng dụng trong ngành y tế. Viettel cũng sản xuất được chip dùng cho các thiết bị 5G và sẽ sớm thương mại hóa. "Đây được coi là bước tiến đáng khích lệ cho ngành vi mạch trong nước", ông Long nói.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) cho rằng, trong hơn 5.000 kỹ sư ngành vi mạch cả nước, thành phố chiếm đa số. Nguồn nhân lực và việc thu hút đầu tư nhiều doanh nghiệp sản xuất vi mạch khiến TP HCM được coi là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Theo lãnh đạo SHTP, thành phố đã khởi động nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch trong thời gian tới. Trong đó, Khu Công nghệ cao ký kết hợp tác với tập đoàn Synopsys hình thành Trung tâm thiết kế vi mạch và đã đưa vào vận hành từ tháng 10/2022 để hỗ trợ các trường, viện trong thúc đẩy nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch.
Đánh giá cao tiềm năng phát triển ngành vi mạch trong nước, bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội SEMI Đông Nam Á, cho biết Việt Nam là một thị trường mới nổi trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu và sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng tăng trưởng rất lớn. "Chúng tôi đã thành lập một nhóm hơn 50 đại biểu từ hơn 8 quốc gia để thảo luận nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam và chuỗi cung ứng vi điện tử Đông Nam Á", bà nói.
Hà An