Thông tin trên được bà Marisa Lago Thứ trưởng Thương mại phụ trách thương mại quốc tế Mỹ chia sẻ tại hội nghị Thượng đỉnh Việt – Mỹ sáng 8/3.
Bà Marisa Lago nhận xét, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn, đóng vai trò quan trọng với nước này. Theo bà, hiện có hơn 100 chuyên gia Mỹ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp hai nước trong việc đầu tư, thương mại hai chiều.
"Tôi tin tưởng vào những cơ hội tuyệt vời trong năm nay", bà Marisa Lago nói và đề cập đến 3 lĩnh vực được phía doanh nghiệp Mỹ ưu tiên hợp tác với Việt Nam gồm y tế, thương mại số, năng lượng và biến đổi khí hậu.
"Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch để đưa các đoàn y tế Mỹ sang Việt Nam. Chúng tôi cũng sẵn sàng giới thiệu các tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong mảng năng lượng với các bạn", bà nói thêm.
Ông Myron Brilliant, Phó chủ tịch điều hành và Trưởng ban quốc tế, Phòng thương mại Mỹ nói rằng rất hoan nghênh việc nhiều hàng Việt Nam được nhập khẩu vào Mỹ.
"Tôi không nghĩ các số liệu về thặng dư thương mại sẽ mang ý nghĩa thành công hay thất bại. Tuy nhiên, tôi mong rằng doanh nghiệp Mỹ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận thị trường Việt Nam", ông nói. Ông cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi Mỹ vẫn chưa tham gia vào Hiệp định CPTPP mà lẽ ra nước này nên là thành viên.
Còn ông Dean Garfield, Phó chủ tịch Toàn cầu về chính sách công của Netflix bày tỏ niềm tin Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia sáng tạo nhất ở khu vực châu Á. "Việt Nam sẽ thành công trong mục tiêu tăng tỷ trọng của công nghiệp sáng tạo", ông nói và bật mí Netflix sắp quay một bộ phim nguyên gốc đầu tiên tại Việt Nam.
Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp hai nước nhìn nhận quan hệ thương mại và đầu tư Việt – Mỹ vẫn còn dư địa lớn để phát triển. Đối với Mỹ, Việt Nam được coi là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu và vai trò này dự báo còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đồng thời, các công ty và nhà đầu tư Mỹ đã đóng góp đáng kể vào sự chuyển đổi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
"Tôi tin tưởng rằng xu hướng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ tiếp tục được duy trì", ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham chia sẻ.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quan hệ song phương Việt – Mỹ phát triển rất nhanh, đạt nhiều kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực trong 26 năm qua.
Riêng với hợp tác kinh tế, Mỹ luôn là một trong những đối tác lớn nhất tại Việt Nam. Cụ thể, về thương mại, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu USD thời điểm bình thường hóa quan hệ năm 1995 lên hơn 111 tỷ USD năm 2021. Nếu chỉ tính riêng năm 2021, con số này đã tăng thêm 21 tỷ USD so năm 2020, bất chấp Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mỹ hiện là đối tác thương mại thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của nước này.
Về đầu tư, Mỹ có gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11 trên 141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.
"Tôi vui mừng trước kết quả khảo sát về đầu tư kinh doanh năm 2021 của Amcham, theo đó, có gần 80% thành viên AmCham Việt Nam đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn tại thị trường Việt Nam. Giai đoạn vừa qua một lần nữa khẳng định tính bổ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế và sự năng động của doanh nghiệp hai nước", Thủ tướng nói.
Ông cũng cho biết Việt Nam hiện tập trung cho chuyển đổi số, đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ số, công dân số, kinh tế số, xã hội số vì là xu hướng phát triển tất yếu. Đây vốn là những vấn đề được phía Mỹ rất quan tâm.
Thủ tướng cho rằng có thể tin tưởng Việt Nam và Mỹ sẽ thành công trong việc giải quyết các vấn đề, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển trên quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Đức Minh