Trong công hàm được ký ngày 3/10, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau nói rằng hai nước nên thực hiện "các bước ngay lập tức hướng tới giải pháp pháp lý, vật chất lâu dài, toàn diện và cuối cùng về vấn đề hậu quả cuộc xâm lược và chiếm đóng của Đức Quốc xã từ năm 1939 đến 1945".
Ông Rau cho rằng việc giải quyết hậu quả sẽ bao gồm các khoản bồi thường của Đức, cũng như giải quyết vấn đề các tác phẩm nghệ thuật bị cướp phá và tiền gửi ngân hàng. Ông nói Berlin nên nỗ lực thông báo cho xã hội Đức bức tranh "thực sự" của cuộc chiến và những tác động thảm khốc của nó đối với Ba Lan.
Theo Ngoại trưởng Ba Lan, các biện pháp này sẽ khép lại những chương đau thương của lịch sử và giúp cải thiện quan hệ song phương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan Lukasz Jasina cho biết Ngoại trưởng Rau sẽ nêu vấn đề bồi thường với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock khi bà Baerbock thăm Warsaw hôm nay.
"Đây là ngày lịch sử đối với toàn bộ đất nước Ba Lan, là giấc mơ của nhiều thế hệ công dân Ba Lan đã qua đời mà phải mang theo cảm giác bất công", nghị sĩ Ba Lan Arkadiusz Mularczyk, người tháng trước dẫn đầu nhóm trình bày báo cáo tổn thất trong chiến tranh của đất nước, cho hay.
Phát biểu tại Berlin trước khi lên đường tới Ba Lan, Ngoại trưởng Đức Baerbock cho biết hai nước láng giềng và cũng là đối tác châu Âu có "trách nhiệm duy trì lòng tin đã cùng xây dựng 30 năm qua, "bao gồm việc phải đối mặt và ghi nhớ những đau khổ khôn lường mà nước Đức đã gây ra cho người dân Ba Lan".
Hạ viện Ba Lan tháng trước bỏ phiếu yêu cầu Đức bồi thường thiệt hại 1,3 nghìn tỷ USD. Chính phủ Đức từ chối, với lý do Ba Lan đã từ bỏ quyền được bồi thường theo thỏa thuận năm 1953 với Đông Đức và vấn đề đã được giải quyết dứt điểm theo hiệp ước thống nhất nước Đức năm 1990, được ký bởi Tây và Đông Đức, cũng như Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp.
Trong khi đó, Ba Lan khẳng định rằng việc từ bỏ năm 1953 được ký kết dưới áp lực của Liên Xô và nước này bị cấm tham gia các cuộc đàm phán năm 1990.
Sáng sớm 1/9/1939, không quân phát xít Đức ném bom thành phố Wielun ở miền trung Ba Lan trong suốt nhiều giờ, mở đầu Thế chiến II. Máy bay Đức đã phá hủy khoảng 70% nhà cửa trong thành phố, khiến ít nhất 127 dân thường chết và bị thương, dù nơi này không có mục tiêu quân sự. Vụ không kích Wielun được coi là tội ác chiến tranh đầu tiên của phát xít Đức trong Thế chiến II.
Cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người, trong đó có gần 6 triệu người Ba Lan.
Bồi thường chiến tranh vẫn là vấn đề gây tranh cãi ở Ba Lan. Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) lên nắm quyền năm 2015 tiếp tục đưa ra yêu cầu bồi thường, sau khi Đức thực hiện các khoản thanh toán cuối cùng vào năm 2010.
Huyền Lê (Theo RT, AP)