"Hợp đồng này sẽ tăng cường an ninh cho Ba Lan", Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz nói với báo giới sau khi ký thỏa thuận trị giá 1,23 tỷ USD với tập đoàn vũ khí Raytheon của Mỹ để sản xuất bệ phóng Patriot hôm 12/8.
Theo thỏa thuận, 48 bệ phóng M903 của tổ hợp sẽ được chế tạo tại nhà máy thép Stalowa Wola của Ba Lan và dự kiến chuyển giao cho lục quân nước này năm 2027-2029.
Patriot là hệ thống phòng không do Mỹ phát triển và biên chế từ năm 1981, có giá khoảng 1,1 tỷ USD nếu tính cả tổ hợp. Phiên bản PAC-2 sử dụng tên lửa đánh chặn có đầu đạn nổ mảnh, còn đạn của biến thể mới nhất PAC-3 được trang bị công nghệ va chạm - tiêu diệt tiên tiến hơn. Radar của Patriot có tầm hoạt động khoảng 150 km.
Patriot đã chứng minh được hiệu quả thực chiến trong xung đột Ukraine. Kiev đầu tháng 7 tuyên bố toàn bộ tên lửa siêu vượt âm Kinzhal do Nga phóng vào thủ đô nước này đều bị đánh chặn kể từ khi các hệ thống phòng không Patriot được triển khai tại đây.
Ba Lan đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang sau khi Nga phát động chiến dịch tại Ukraine vào đầu năm 2022. Ba Lan là nước láng giềng với Ukraine, đồng thời cũng là một trong các quốc gia ủng hộ Kiev nhiệt thành trong cuộc xung đột. Hai nước hôm 9/7 ký thỏa thuận an ninh 10 năm, trong đó Ba Lan cam kết cung cấp thêm nhiều viện trợ quân sự cho Ukraine.
Warsaw đã thông báo sẽ chi hơn 4% GDP cho quốc phòng trong năm nay, gấp đôi mục tiêu 2% NATO đề ra. Nước này hôm 9/8 ký thỏa thuận với Mỹ để mua hàng trăm tên lửa không đối không AIM-120C AMRAAM.
Theo truyền thông Ba Lan, hai nước sẽ ký một thỏa thuận mới trong những ngày tới về việc mua 96 trực thăng chiến đấu AH-64E Apache do Mỹ sản xuất, với tổng giá trị hơn 9 tỷ USD.
Washington "bật đèn xanh" cho thương vụ này từ năm ngoái và số phi cơ trên sẽ thay thế phi đội trực thăng Mi-24 cũ kỹ do Liên Xô sản xuất trong biên chế lực lượng không quân của Warsaw.
Phạm Giang (Theo AFP)