Năm 2008, khi Ian 8 tuổi, lưng bắt đầu đau nhói. Bác sĩ chẩn đoán Ian mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng tế bào lympho (ALL). Ban đầu, Ian chẳng hiểu đó là bệnh gì, tưởng mình đang khám sức khỏe định kỳ, được xem phim và nằm chơi thoải mái trong khi truyền dịch.
Bệnh bạch cầu là một dạng ung thư máu xảy ra do quá trình biến đổi của các tế bào trong tủy xương gặp vấn đề. Trong trường hợp của Ian, tế bào lympho B - có vai trò tạo ra kháng thể - bị ảnh hưởng. ALL là ung thư xảy ra nhiều nhất ở trẻ em và ALL tế bào B là dạng phổ biến nhất. Căn bệnh của Ian khiến tế bào liên tục phát triển, gây áp lực cho tủy xương, dẫn đến đau nhức. Nếu không được điều trị, bệnh bạch cầu có thể làm tổn thương nội tạng và gây tử vong. Tuy nhiên, Ian nằm trong nhóm có cơ hội chữa khỏi khoảng 80 đến 90%.
Ian lo lắng khi những bạn ở trường nhìn chằm chằm vào cái đầu hói của mình, song cậu bé tin rằng bệnh sẽ qua đi. Và cậu đã đúng. Năm Ian 11 tuổi, tế bào ung thư dường như đã biến mất. Ian quay lại cuộc sống bình thường với trò chơi điện tử, các buổi tụ tập cùng bạn bè và giúp đỡ bố mẹ.
Một năm rưỡi sau, bệnh tái phát, Ian Bridges lao vào một cuộc chiến mới. Lần này, tâm thế thoải mái, vô tư của một đứa trẻ đã biến mất. Bà JoAnne, mẹ của Ian, kể lại: "Ian về nhà trong sự giận dữ. Thằng bé đi vào phòng, khóa cửa và nghĩ rằng nếu bệnh không thể chữa khỏi, đã đến lúc nên từ bỏ". Sau cùng, Ian chấp nhận có thể không qua khỏi, nhưng trước hết phải sống chung với căn bệnh.
Lần này, Ian ý thức rõ hơn về bệnh tình và quá trình điều trị. Theo bác sĩ Rebecca A. Gardner, chuyên khoa ung thư nhi tại Bệnh viện Nhi Seattle, khi bệnh tái phát, khả năng sống sót sau điều trị của Ian là khoảng 60% đến 70%, do các tế bào đã qua hóa trị và nhiều khả năng có thể kháng thuốc.
Bác sĩ chỉ định liệu pháp như trước nhưng cường độ hóa trị cao hơn. Đợt điều trị đã tàn phá cơ thể Ian, khiến lượng tiểu cầu giảm còn 20.000 trên mỗi microlit máu (mức bình thường là 150.000-450.000). May mắn thay, cuộc chiến một lần nữa thành công.
Ian khỏi bệnh khi bước sang tuổi 15 và nạp lại năng lượng sống. Trong quãng thời gian đó, cậu mài dũa kỹ năng hàn. Năm học lớp 9, Ian làm một chiếc bếp nướng ngoài trời mà tới nay gia đình vẫn sử dụng và một số vật dụng khác cho tới năm cuối trung học. Mục đích tiếp theo của Ian là trường nghề - nơi cậu tiếp nối ước mơ trở thành thợ hàn.
Mọi thứ diễn ra êm đẹp cho tới ngày 14/2/2019, anh thợ hàn Ian lại nhận tin bệnh tái phát. Sau mỗi lần điều trị, khả năng khỏi bệnh lại giảm đi, nhưng anh vẫn kịp sống đến ngày một phương pháp được phát triển, hỗ trợ anh trong cuộc chiến thứ ba. Anh tham gia thử nghiệm phương pháp điều trị mới tại Bệnh viện Nhi Seattle, cùng với 27 người khác.
Kế hoạch của các bác sĩ là sử dụng chính tế bào T của bệnh nhân để loại bỏ ung thư. Lý thuyết này được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ.
Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu ung thư tại Stanford và Viện Ung thư Quốc gia Mỹ tiến hành thử nghiệm của riêng họ. Bệnh viện Nhi Seattle bắt đầu trị liệu miễn dịch tế bào T vào năm 2012 và cho đến năm 2020 đã chữa bệnh cho hơn 200 bệnh nhân bằng các liệu pháp miễn dịch tương tự. Đối với bệnh nhân ALL, cách này có tỷ lệ chữa khỏi 90%.
Để bắt đầu, bác sĩ lấy máu của bệnh nhân, trích xuất các tế bào và bơm lượng máu còn lại vào cơ thể. Tại phòng thí nghiệm, các tế bào T được tách ra và tái cấu trúc để chuẩn bị cho cuộc tấn công. Các thụ thể kháng nguyên chimeric của tế bào T mới khi được truyền vào máu của bệnh nhân sẽ tìm các protein của tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Nhưng để chiết xuất tế bào T, các bác sĩ phải luồn một chiếc ống vào cổ để hút máu ra ngoài. Điều này gây rất nhiều đau đớn.
Tiến sĩ Gardner, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết nhiều bệnh nhân có triệu chứng sốt sau khi được nhận các tế bào T mới - dấu hiệu cho thấy phương pháp đang phát huy tác dụng. Chỉ mất vài tuần để thấy tế bào ung thư tiêu biến, nhưng vì chúng bắt nguồn từ tủy xương, Ian phải cấy ghép cả thành phần này.
Để chuẩn bị cho điều đó, Ian phải xạ trị toàn thân hai lần mỗi ngày trong 3 ngày liên tục, sau đó là hai ngày hóa trị để phá hủy tủy hiện tại và thay bằng tủy của người hiến tặng. Không có gì đảm bảo rằng phần tuỷ mới sẽ không bị đào thải.
Ngày 31/10/2019, Ian rời Seattle về nhà tại Washington. Cuộc thử nghiệm hiệu quả với 85% bệnh nhân và Ian có thêm cơ hội sống tiếp. Anh tâm sự: "Nó giúp tôi có góc nhìn mới về mọi thứ. Tôi đã được chứng kiến tương lai đầy triển vọng của lĩnh vực điều trị ung thư".
Kể từ khi chữa bệnh cho Ian, Bệnh viện Nhi Seattle tiếp tục cải tiến phương pháp, nhắm mục tiêu vào một thụ thể mới giúp cơ thể bệnh nhân tiếp nhận việc điều trị tốt hơn. Tiến sĩ Gardner cho hay: "Mong muốn của chúng tôi là sử dụng cách này hoặc các phương pháp tương tự để thay thế các liệu pháp hóa trị mà trẻ em phải trải qua".
Ian còn một điều nữa cần làm đó là bỏ nghề hàn và tìm đến những cơ hội mới. Mùa thu 2020, anh tham gia các lớp học cổ sinh vật học và nhân chủng học tại Green River College. Từ một cậu bé vô tư cho đến một thiếu niên tuyệt vọng, giờ đây, Ian trưởng thành hơn, tràn đầy hy vọng và niềm tin vào tương lai. Càng học hỏi, anh càng bớt ám ảnh về quá khứ.
"Nếu định làm điều gì đó với cuộc đời mình, tôi phải bỏ lại những ký ức cũ", anh chia sẻ.
Mai Dung (Theo Men's Health)