"Trong điều kiện hiện nay, nền nông nghiệp Ba Lan sẽ không thể có ưu thế bằng Ukraine. Tại Ukraine có hàng trăm nghìn trang trại, đó là nền nông nghiệp hoàn toàn khác. Đó là lý do chúng tôi đưa ra lập trường kiên quyết như vậy", Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus nói hôm 13/9.
Ông Telus kêu gọi xây dựng các công cụ để hạn chế nhập khẩu nông sản từ Ukraine. Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan cho biết nước này đang tìm cách gia hạn lệnh cấm nhập khẩu nông sản Ukraine của Liên minh châu Âu (EU).
"Nếu chúng ta không xây dựng những công cụ để cấm nhập khẩu nông sản Ukraine, Ba Lan chắc chắn sẽ không đồng ý để Ukraine gia nhập EU", ông Telus nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan nói thêm khi nước này gia nhập EU đã phải tuân thủ các điều kiện rất nghiêm ngặt, do đó cần phải đặt ra điều kiện cho Ukraine khi gia nhập liên minh.
![Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus. Ảnh: Wyborcza](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/09/15/z29671588V-Robert-Telus-3834-1694743631.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qq7IIt3-DC672PXGEOLOfg)
Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus. Ảnh: Wyborcza
Sau khi nổ ra chiến sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022, Ba Lan là một trong những nước lên tiếng ủng hộ Kiev nhiệt tình nhất. Tuy nhiên, quan hệ hai nước láng giềng mâu thuẫn từ khi Ba Lan kêu gọi cấm nhập khẩu nông sản Ukraine để bảo vệ thị trường nội địa.
Sau lệnh cấm đơn phương của Ba Lan, EU hồi tháng 4 ủy quyền cho 5 nước thành viên là Ba Lan, Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia cấm nhập khẩu nông sản Ukraine, nhưng vẫn cho phép mặt hàng này quá cảnh để đến nước thứ ba. Lệnh cấm của EU sẽ hết hạn vào ngày 15/9, song ít nhất hai quốc gia là Ba Lan và Hungary có ý định đơn phương gia hạn lệnh cấm.
Tổng thống Zelensky cùng các lãnh đạo Ukraine ký đơn xin gia nhập EU hồi tháng 2/2022, vài ngày sau khi nổ ra xung đột với Nga. Ông Zelensky thúc giục EU cho phép Ukraine gia nhập nhanh chóng theo cái mà ông mô tả là "thủ tục đặc biệt mới", song không được đồng ý.
Tổng thống Nga Putin từng nói không phản đối Ukraine gia nhập EU vì đây không phải liên minh quân sự như NATO. Tuy nhiên, lãnh đạo Nga cảnh báo nếu Ukraine gia nhập EU, họ có thể "biến thành bán thuộc địa" của phương Tây.
Một quốc gia chỉ có thể nộp đơn vào EU khi đáp ứng các điều kiện nhất định, bao gồm có nền kinh tế thị trường tự do, dân chủ ổn định và chấp nhận tất cả luật pháp của EU cũng như đồng EUR. Quốc gia nộp đơn lên Hội đồng châu Âu, bên yêu cầu Ủy ban châu Âu đánh giá khả năng đáp ứng các tiêu chí của ứng viên.
Nếu đánh giá của ủy ban thuận lợi, Hội đồng châu Âu phải nhất trí khuôn khổ chính thức cho quá trình đàm phán giữa các bộ trưởng và đại sứ của các chính phủ EU và nước ứng viên. Quá trình này có thể sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí là hàng thập kỷ.
Ngọc Ánh (Theo NFP)