Ngày 18/3/2006, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Cape St. George và khu trục hạm USS Gonzalez của hải quân Mỹ được triển khai tuần tra chống cướp biển ở khu vực ngoài khơi Somalia.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, một tàu kéo theo nhiều xuồng cỡ nhỏ tiếp cận biên đội tàu chiến Mỹ. Trước hành vi của con tàu lạ, chỉ huy tàu khu trục USS Gonzalez cử một nhóm binh sĩ áp sát để điều tra. Họ nhanh chóng phát hiện những người đang cầm súng chống tăng RPG trên tàu lạ.
Ngay sau đó, những tay súng trên các xuồng cao tốc lập tức nổ súng về phía tàu tuần dương USS Cape St. George và gây hư hại nhẹ trên vỏ tàu.
Hai tàu chiến Mỹ và các binh sĩ đổ bộ đáp trả bằng vũ khí bộ binh. Tàu chính của nhóm cướp biển bốc cháy và bị chìm, lính hải quân Mỹ bắt được 12 tên cướp biển và tìm thấy một thi thể trên xuồng cao tốc. Những kẻ bị thương được đưa đến tàu đổ bộ tấn công USS Nassau để điều trị, sau đó được thả tự do và hồi hương về Somalia.
4 năm sau, tàu hộ vệ tên lửa USS Nicholas cũng bị một nhóm cướp biển tấn công khi tuần tra trên Ấn Độ Dương. 3 tay súng trên một xuồng cao tốc nổ súng về phía một con tàu đang tiến đến trong đêm 1/4/2010, không biết rằng đó là một chiến hạm Mỹ và mọi hành tung của chúng đã bị theo dõi từ trước.
Thủy thủ đoàn USS Nicholas nổ súng và vô hiệu hóa chiếc xuồng. Binh sĩ Mỹ bắt được 3 tay súng trên xuồng và hai tên cướp biển trên tàu mẹ gần đó. Nhóm cướp biển bị đưa về Mỹ xét xử và nhận án chung thân.
Ngày 10/4/2010, 7 tên cướp biển trên một xuồng cao tốc nổ súng về phía tàu đổ bộ USS Ashland ở cách bờ biển Djibouti khoảng 610 km, sau khi nhầm tưởng chiến hạm Mỹ là một tàu chở hàng. Thủy thủ đoàn Ashland bắn trả bằng hai phát đạn 25 mm từ khẩu pháo Mark 38 Mod 2, khiến chiếc xuồng bốc cháy và những tay súng trên đó phải nhảy xuống biển.
Lính Mỹ tiếp cận mục tiêu bằng xuồng bơm hơi và tìm thấy 6 người sống sót. Nhóm cướp biển được đưa lên tàu USS Ashland để điều trị. Hai tên trong số này bị xét xử ở Mỹ và nhận án chung thân.
Vũ Anh (Theo WATM)