Bộ Quốc phòng Ba Lan hôm 31/3 thông báo Warsaw và Washington sẽ ký thỏa thuận về bảo đảm hỗ trợ hậu cần cho tổ hợp phòng không Patriot, cũng như cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo kíp vận hành.
Cơ quan này cho biết hợp đồng sẽ giúp các bệ phóng Patriot đạt khả năng sẵn sàng hoạt động và hình thành nền tảng cho chương trình "Wisla" của quân đội Ba Lan. Đây là dự án hiện đại hóa lực lượng phòng không, nhằm đối phó với những mối đe dọa mới như tên lửa đạn đạo chiến thuật có khả năng cơ động cao.
Bộ trưởng Quốc phòng Wladyslaw Kosiniak-Kamysz tiết lộ hợp đồng có trị giá gần 2 tỷ USD, nhấn mạnh phòng thủ tên lửa và hợp tác với Mỹ là ưu tiên hàng đầu của Ba Lan.

Bệ phóng Patriot của Ba Lan tại thị trấn Sochaczew tháng 12/2024. Ảnh: AFP
"Thỏa thuận là lời khẳng định cho quan hệ hợp tác lâu dài, chặt chẽ giữa Mỹ và Ba Lan trong lĩnh vực an ninh", Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk phát biểu cùng ngày.
Trong khuôn khổ chương trình Wisla, Ba Lan năm 2018 đặt hàng hai hệ thống Patriot do Mỹ chế tạo với trị giá 4,75 tỷ USD và tiếp nhận khí tài sau đó 4 năm. Nước này hồi tháng 9/2023 đặt mua thêm 6 tổ hợp Patriot hoàn chỉnh của Mỹ, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt thương vụ trị giá khoảng 15 tỷ USD.
Ba Lan đã thực thi nhiều biện pháp nhằm củng cố năng lực quốc phòng kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022.
Tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga từng một số lần bay lạc vào lãnh thổ Ba Lan. Nước này thường xuyên triển khai chiến đấu cơ và lực lượng phòng không khi Nga nhắm mục tiêu các khu vực ở Ukraine gần biên giới Ba Lan.
Ba Lan có chung đường biên giới với Belarus và giáp vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga. Điều này khiến các chuyên gia cảnh báo rằng Ba Lan sẽ trở thành quốc gia đầu tiên bị cuốn vào vòng xoáy xung đột trong trường hợp giao tranh bùng phát giữa NATO và Moskva.
Sau khi chiến sự Ukraine bùng phát, Ba Lan đã trở thành thành viên NATO chi tiêu nhiều nhất cho lĩnh vực quốc phòng xét theo tỷ trọng GDP. Warsaw cho biết sẽ phân bổ 4,7% GDP cho ngân sách quân sự trong năm 2025, tăng 0,6% so với năm 2024.
Tổng thống Andrzej Duda đang đề xuất sửa đổi hiến pháp, bổ sung quy định phải chi ít nhất 4% GDP cho lĩnh vực quốc phòng.
Phạm Giang (Theo Reuters)