Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế nêu trên thuộc nghiên cứu "Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP HCM giai đoạn Covid-19 lần 4" vừa được Trường Đại học Kinh tế - Luật và Viện nghiên cứu Phát triển công nghệ ngân hàng, Đại học Quốc gia TP HCM công bố.
Các kịch bản được đưa ra trong bối cảnh thành phố đã ghi nhận 251.414 bệnh nhân Covid-19, đứng đầu cả nước về số ca nhiễm và hơn 10 triệu dân thành phố bước sang ngày cuối cùng trong đợt siết chặt giãn cách kéo dài 15 ngày với nguyên tắc "ai ở đâu yên đó".
Nhóm nghiên cứu đưa ra 3 dự báo về kịch bản tăng trưởng kinh tế của TP HCM năm nay. Trong đó, kịch bản 1 (kỳ vọng), thành phố cơ bản kiểm soát dịch bệnh đến 15/9 và thêm 2 tuần đệm trước khi thiết lập trạng thái "bình thường mới" kể từ tháng 10. Khi đó, ước tính GRDP giảm khoảng 1,74% so với năm ngoái.
Với kịch bản 2 (xấu), nếu dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 9, trạng thái "bình thường mới" được thiết lập trong khoảng nửa sau muộn của tháng 10. Các tổn thương kinh tế hết sức nghiêm trọng, ước tính GRDP năm nay giảm sâu khoảng 13,48% so với năm 2020. Nền kinh tế rất dễ rơi vào vòng xoáy suy thoái.
Ở kịch bản 3 (tốt) khi diễn biến dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn giả thuyết ở kịch bản 1, đi kèm với sự chuẩn bị đầy đủ và chu đáo cho việc kết thúc giãn cách, tái khởi động các hoạt động ngay từ 15/9. Theo đó, ước tính GRDP sẽ suy giảm khoảng 0,85% so với năm 2020.
Các kịch bản này được thiết kế dựa trên 4 nền tảng với thông số đầu vào cập nhật đến hết tháng 8/2021, bao gồm: khả năng kiểm soát dịch; cấu trúc kinh tế thành phố (cấu trúc GRDP theo ngành, cấu trúc thu ngân sách của thành phố); mức độ tổn thương của kinh tế, xét theo ngành và lĩnh vực; khả năng hồi phục kinh tế dự kiến nhờ vào các gói hỗ trợ (kích cầu, tái tạo việc làm, ổn định giáo dục, kích thích đầu tư công và tư...).
Về tổng thể, nghiên cứu này dựa trên 2 giả định. Thứ nhất, TP HCM và các tỉnh giáp ranh cơ bản kiểm soát được Covid-19 lần thứ tư trong tháng 9 để có thể quay trở lại hoạt động ở điều kiện "bình thường mới" trong tháng 10. Thứ hai, vaccine tiếp tục được triển khai trên diện rộng để đến đầu quý IV đạt độ phủ 70-80% dân cư thành phố và các tỉnh giáp ranh được tiêm đủ 2 mũi. Đến tháng 12, cơ bản 70-80% người dân Việt Nam được tiêm vaccine ít nhất một mũi.
Nghiên cứu nhận định, kinh tế TP HCM đã chịu tổn thất nghiêm trọng trong thời gian giãn cách: tổn thất lớn của cá nhân, hộ gia đình; lao động, việc làm suy giảm mạnh; doanh nghiệp kiệt quệ tài chính.
"Nếu không có sự can thiệp kịp thời của nhà nước, tỷ lệ thất nghiệp của TP HCM và khu vực phía Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra, tốc độ phục hồi kinh tế của thành phố phụ thuộc lớn vào tốc độ, quy mô của động lực hỗ trợ từ Chính phủ và TP HCM", nhóm chuyên gia nhận xét.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, để chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả tức thời, cần đặt mục tiêu ưu tiên tốc độ hỗ trợ, chấp nhận một sự sai lệch nhất định ở đối tượng thụ hưởng. Các gói hỗ trợ tập trung vào hai hướng.
Đầu tiên là hỗ trợ trực tiếp cho tổng cầu bằng cách cắt giảm thuế, tăng chi đầu tư, chi hỗ trợ việc làm, chi hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo an sinh xã hội. Tiếp đó là hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, chia sẻ chi phí, bảo lãnh và cho vay, cung cấp dòng vốn chi phí thấp.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu cho rằng chính sách hỗ trợ cần hướng đến các mục tiêu sau như: Đảm bảo an sinh xã hội cho cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp gặp tổn thương nghiêm trọng; hỗ trợ dài hạn cho hộ gia đình có trẻ em trong độ tuổi đi học gặp tổn thương đặc biệt nghiêm trọng; gia tăng khả năng có việc làm, tự ổn định thu nhập của đối tượng yếu thế.
Với sản xuất kinh doanh, cần khắc phục hậu quả đứt gãy sản xuất, ổn định chuỗi cung ứng, tăng tính liên kết vùng; hỗ trợ thanh khoản, nợ vay có chi phí thấp; chia sẻ gánh nặng chi phí của doanh nghiệp; hạn chế sa thải lao động; kích cầu, ổn định và phát triển thị trường; gia tăng khả năng tự phục hồi của tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp.
Về ngân sách nhà nước, kiến tạo nguồn ngân sách kịp thời để đẩy nhanh đầu tư công và triển khai kịp thời các gói hỗ trợ có quy mô đủ lớn; giữ ổn định nhịp tăng trưởng, góp phần cân đối ngân sách theo hướng tích cực trong năm 2022.
Vai trò và vị trí của TP HCM đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước là rất quan trọng. Do đó, nhóm nghiên cứu cho rằng sự hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách trung ương cần đóng vai trò then chốt, bao gồm cả các hỗ trợ tức thời trong ngắn hạn và các hỗ trợ mang tính cấu trúc khi kết thúc giãn cách và tiếp tục kéo dài trong trung hạn.
Ngoài ra, để kiến tạo phục hồi cho thành phố, nhóm nghiên cứu đề xuất Quốc hội, Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù để tạo động lực, nhằm giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh nhất có thể, tạo tác động lan tỏa cho cả vùng.
Một trong những giải pháp là phát hành trái phiếu chính phủ trong điều kiện lãi suất trái phiếu chính phủ đang ở mức thấp và chuyển giao nguồn vốn này cho TP HCM sử dụng với trách nhiệm trả lãi vay, được cho là có tính khả thi và đem lại hiệu quả đầu tư.
Từ năm 2022, nhóm chuyên gia này kiến nghị Trung ương cho phép tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách TP HCM từ 18% lên 23% và cho phép nâng trần nợ công của thành phố để có thể phát hành trái phiếu chính quyền đô thị, để có đủ nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Song song chính sách từ trung ương, TP HCM cần kiến tạo động lực thông qua gói hỗ trợ tái tạo việc làm bằng cách hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng cho doanh nghiệp duy trì đạt ngưỡng tỷ lệ lao động. Thiết lập chương trình kích cầu mới trên cơ sở chương trình hỗ trợ lãi suất đã rất thành công từ nhiều năm qua, xây dựng chợ đầu mối trực truyến, nâng cao năng lực hệ thống y tế, tăng tốc chuyển đổi số và liên kết vùng...
Nhóm nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh rằng, kịch bản kỳ vọng chỉ có thể đạt được với điều kiện thực hiện đồng bộ và nhất quán các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế mà nhóm đã đề xuất, gồm đảm bảo an sinh, giáo dục, tái tạo việc làm, kích cầu tiêu dùng và kích thích đầu tư trở lại từ khu vực tư nhân. Các giải pháp kinh tế cũng phải gắn đồng bộ với các chính sách khác như y tế, phòng chống dịch, tiêm vaccine ... để đạt được sự hiệu quả thống nhất xuyên suốt.
Viễn Thông