Lò vi sóng là thiết bị phổ biến trong nhiều gia đình, giúp hâm nóng thức ăn và đồ uống nhanh chóng. Một số người lo ngại lò vi sóng có thể gây ung thư vì "bức xạ" tỏa ra từ thiết bị này. Tuy nhiên, Paige Welsh, chuyên gia ung thư tại Cleveland Clinic Martin Health cho biết, có nhiều loại bức xạ với mức độ rủi ro khác nhau. Lò vi sóng sử dụng bức xạ không ion hóa để làm nóng thức ăn, tương tự bức xạ từ điện thoại di động, TV và bóng đèn. Bức xạ ion hóa trong X-quang và CT có thể làm thay đổi nguyên tử và gây hại tế bào nếu tiếp xúc nhiều. Tuy nhiên, bức xạ không ion hóa trong lò vi sóng không làm thay đổi cấu trúc phân tử.
Mặc dù không gây ung thư, tiến sĩ Welsh vẫn nêu ra ba điều cần tránh để sử dụng lò vi sóng một cách an toàn nhất.
Không dùng lò vi sóng đã bị hỏng, móp méo
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) quy định chặt chẽ về mức độ rò rỉ bức xạ cho phép từ lò vi sóng. Mức độ này thấp hơn nhiều so với mức có thể gây hại. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn này chỉ áp dụng cho lò vi sóng còn hoạt động tốt. Các loại lò hư hỏng có thể khiến bức xạ không ion hóa rò rỉ, gây bỏng và tổn thương mắt.
Không nên sử dụng lò vi sóng nếu có các dấu hiệu sau: móp méo, nứt, bong tróc, hư hỏng do cháy, không đóng chặt hoặc hoạt động không bình thường. Welsh cảnh báo: "Hư hỏng có thể gây rò rỉ bức xạ. Mặc dù cần tiếp xúc với lượng bức xạ rất lớn mới gây hại, bạn không nên mạo hiểm".
Các chuyên gia cho biết, mọi người không cần đứng xa lò vi sóng nếu thiết bị này vẫn còn hoạt động tốt. Tuy nhiên, việc giữ khoảng cách vẫn giúp giảm thiểu khả năng tiếp xúc với lượng bức xạ nhỏ thoát ra.
Tránh sử dụng một số loại nhựa khi hâm nóng thức ăn
Chuyên gia khuyến nghị mọi người chỉ sử dụng loại hộp nhựa có ghi "an toàn với lò vi sóng". Theo tiến sĩ Welsh, màng bọc nhựa kém an toàn dưới sức nóng, có thể tan chảy vào thực phẩm.
Một số chuyên gia thậm chí cho rằng nên tránh tất cả các loại hộp nhựa (kể cả loại thân thiện với lò vi sóng) vì chúng có thể tiết các phân tử có hại vào thức ăn. Hiện chưa rõ tác động của các loại nhựa kém an toàn đối với sức khỏe. Tuy nhiên, một số phân tích độc lập cho thấy, vi nhựa thẩm thấu vào thức ăn có thể gây ung thư, đột quỵ. Vì vậy, tiến sĩ Welsh khuyến nghị sử dụng các loại bát đĩa sứ, gốm, thủy tinh chịu nhiệt.
Không sử dụng kim loại trong lò vi sóng
Tiến sĩ Welsh cho biết, không nên hâm nóng kim loại trong lò vi sóng vì có thể gây ra tia lửa điện và cháy nổ. Tia lửa điện làm hỏng tấm kim loại bên trong lò vi sóng, vốn có tác dụng ngăn rò rỉ bức xạ.
"Lò vi sóng sử dụng một tấm kim loại đặc biệt để ngăn rò rỉ bức xạ. Thìa, dĩa bằng nhôm hoặc inox cho vào lò vi sóng dễ phát ra tia lửa điện, có thể làm hỏng tấm kim loại bảo vệ người dùng", Welsh giải thích.
Lưu ý khi hâm nóng thức ăn
Khi quay lại thức ăn thừa, mọi người cần đảm bảo thực phẩm được làm nóng kỹ để tiêu diệt vi khuẩn. Nhiệt độ lý tưởng là 74 độ C. Lò vi sóng làm nóng thức ăn từ ngoài vào trong. Vì vậy, nên cắt thức ăn thừa thành miếng nhỏ, khấy đều súp để chúng nóng đều.
Welsh khuyến nghị quay rau củ trong lò vi sóng, bởi quá trình luộc với nước sẽ làm mất một số loại chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất.
"Lò vi sóng có thể giúp bảo quản chất dinh dưỡng trong thực phẩm tốt hơn nhiều phương pháp nấu ăn khác", bà nhận định.
Hấp rau bằng lò vi sóng cũng nhanh hơn so với nướng trong lò nướng, giúp giảm thiểu tình trạng phân hủy chất dinh dưỡng do nhiệt độ cao.
Tuy nhiên, tiến sĩ Welsh cho rằng mọi người nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn dành cho lò vi sóng. Chúng thường chứa nhiều natri, thiếu chất dinh dưỡng.
Thục Linh (Theo Cleveland Clinic)