Kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995, Việt Nam và Mỹ bắt đầu có những bước đi đầu tiên hướng tới hợp tác an ninh quốc phòng. Quá trình này có thể chia thành ba giai đoạn, mở đầu bằng những hoạt động hợp tác nhỏ và theo từng bước, sau đó tăng dần theo sự hội tụ lợi ích chiến lược chung, theo báo cáo được Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố năm 2018.
Giai đoạn đầu tiên là thời kỳ "hợp tác tăng dần", với trọng tâm hợp tác quốc phòng song phương là vấn đề quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh. Nghị quyết được Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua năm 1997 quy định hợp tác an ninh với Mỹ được thực hiện trên ba lĩnh vực gồm quân y, khoa học và công nghệ quân sự, cũng như cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo.
Trong giai đoạn này, tiếp xúc giữa hai bên giới hạn ở mức Việt Nam cử cán bộ tham dự các hội thảo của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM), trao đổi sĩ quan cấp cao, hợp tác trong tìm kiếm cứu hộ, quân y và rà phá bom mìn. Tuy nhiên, đây chính là nền tảng để hai nước xúc tiến các cuộc gặp cấp cao hơn.
Năm 2000, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, và ba năm sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phạm Văn Trà cũng tới thăm Mỹ.
Tháng 11/2003, chiến hạm USS Vandegrift cập bến TP Hồ Chí Minh, trở thành tàu hải quân đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Đây là hoạt động mang tính biểu tượng hướng tới việc tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai nước.
Giai đoạn thứ hai chứng kiến quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ cải thiện đáng kể vào cuối thập niên 2000, khi chính quyền Tổng thống Barack Obama thực thi chiến lược "xoay trục sang châu Á" và thể hiện lập trường rõ ràng hơn đối với vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Phát biểu tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 7/2010, thời điểm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh Mỹ có lợi ích chiến lược ở Biển Đông và sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh, đối tác trong khu vực để đảm bảo an ninh, tự do hàng hải ở vùng biển này.
Đây cũng là thời kỳ Trung Quốc đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền phi lý trong khu vực, với các hoạt động bồi đắp, quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông và không ngừng gây áp lực với các nước láng giềng.
Tàu cá Việt Nam hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa nhiều lần bị tàu chấp pháp Trung Quốc bắt giữ trái phép. Hơn 100 ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt trong năm 2009, gần 50 người bị giữ trong nửa đầu năm 2010.
Tháng 4/2010, giới chức Trung Quốc tuyên bố coi Biển Đông là một trong những "lợi ích cốt lõi", gây căng thẳng trong khu vực. Tàu chấp pháp Trung Quốc cũng cản trở hoạt động của tàu thăm dò Việt Nam trên Biển Đông vào năm 2011 và 2012.
Ngày 8/8/2010, tàu sân bay hạt nhân USS George Washington của Mỹ tới vùng biển quốc tế ngoài khơi Đà Nẵng và tiến hành các hoạt động giao lưu với cán bộ, quan chức quân đội và chính quyền Việt Nam. Hải quân hai nước cũng tiến hành diễn tập tìm kiếm cứu nạn chung.
Hai ngày sau, tàu khu trục USS John S. McCain cập cảng Đà Nẵng. Đến 17/8, Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt - Mỹ cấp thứ trưởng quốc phòng diễn ra ở Hà Nội.
Tháng 9/2011, hai nước ký Biên bản Ghi nhớ về Thúc đẩy Hợp tác Quốc phòng Song phương (MOU), trong đó đề ra 5 lĩnh vực ưu tiên gồm an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, phối hợp giữa các trường đại học và viện nghiên cứu quân sự.
Hợp tác an ninh Việt - Mỹ bắt đầu thực thi theo MOU từ đó và được chia làm ba hình thức. Đầu tiên là đối thoại chiến lược, trong đó Đối thoại Chính trị, An ninh và Quốc phòng Việt - Mỹ và Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt - Mỹ đã được tổ chức gần như thường niên kể từ khi thành lập vào năm 2008 và 2010.
Thứ hai là các chuyến thăm Việt Nam của hải quân Mỹ và diễn tập hải quân. Tàu sân bay USS George Washington tiếp tục đón các đoàn quan chức và cán bộ quân sự Việt Nam khi hoạt động ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông vào các năm 2011 và 2012.
Các cuộc diễn tập hải quân chung liên quan tới những vấn đề an ninh phi truyền thống cũng được tiến hành kể từ năm 2010. Chương trình Đối tác Thái Bình Dương nhằm mục đích tăng cường hỗ trợ nhân đạo và sẵn sàng ứng phó thiên tai được tổ chức tại Việt Nam lần đầu năm 2007, bắt đầu diễn ra đều đặn hai năm một lần từ năm 2008.
Hình thức hợp tác thứ ba là tiếp đón lực lượng quân sự Mỹ, trong đó cho phép tàu hải quân Mỹ cập cảng Cam Ranh. Sau khi Việt Nam thông báo mở cửa quân cảng Cam Ranh và cung cấp dịch vụ hậu cần cho mọi lực lượng nước ngoài hồi tháng 10/2010, Mỹ trở thành khách hàng đầu tiên của hoạt động này khi tàu vận tải USNS Richard Byrd cập cảng vào tháng 8/2011. Hải quân Mỹ từ đó sử dụng dịch vụ hậu cần và bảo dưỡng tại Cam Ranh gần như hàng năm.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thăm cảng Cam Ranh vào tháng 6/2012. Trong bài phát biểu trên tàu USNS Richard Byrd, ông khẳng định việc hải quân Mỹ được tiếp cận cảng Cam Ranh sẽ thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ lên "cấp độ tiếp theo".
Tuy nhiên, một trong những trở ngại trong nâng cao hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ là lệnh cấm vận vũ khí, khi Việt Nam coi đây là yếu tố quan trọng nhằm thể hiện sự tin tưởng chính trị và cần được giải quyết. Trong chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vào tháng 10/2014, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo kế hoạch chấm dứt cấm vận với các thiết bị quân sự phục vụ an ninh hàng hải cho Việt Nam.
Tháng 4/2016, Bộ Ngoại giao Mỹ khởi động Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI) nhằm hỗ trợ cải thiện khả năng tình báo, trinh sát và do thám (ISR), cũng như năng lực nhận thức hàng hải cho Việt Nam, Malaysia và Philippines. Mỹ đã đóng góp 2 triệu USD cho Việt Nam dưới dạng hiện đại hóa khí tài, xây dựng năng lực tìm kiếm cứu hộ, chỉ huy, kiểm soát và liên lạc.
Một tháng sau, Tổng thống Barack Obama tới thăm Việt Nam và thông báo dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam. Đây được coi là dấu mốc cho giai đoạn hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ thứ ba, động thái thể hiện sự hội tụ lợi ích chiến lược giữa hai nước.
Trong giai đoạn 2013-2018, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam 56 triệu USD trong chương trình Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài (FMF). Trong khuôn khổ FMF, Tuần duyên Mỹ đã chuyển giao tàu tuần tra USCGC Morgenthau thuộc lớp Hamilton cho Cảnh sát Biển Việt Nam theo Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) vào giữa năm 2017. Đây là đợt chuyển giao khí tài lớn đầu tiên giữa hai nước, chiếc Morgenthau sau đó mang tên CSB-8020 và trở thành tàu tuần tra lớn nhất trong biên chế Cảnh sát Biển Việt Nam.
FMF cũng cấp vốn cho dự án chuyển giao 24 xuồng tuần tra cao tốc Metal Shark cho Việt Nam, trong đó 12 chiếc đầu tiên được bàn giao đầu năm 2018.
Tháng 3/2018, tàu sân bay USS Carl Vinson thăm thành phố Đà Nẵng trong 4 ngày, đánh dấu lần đầu tiên hàng không mẫu hạm Mỹ thăm Việt Nam sau hơn 4 thập kỷ. Cũng trong năm đó, Việt Nam lần đầu cử lực lượng tham gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), hoạt động diễn tập hàng hải quốc tế lớn nhất thế giới, sau khi làm quan sát viên năm 2012 và 2016.
Cuối tháng 5/2019, thượng úy Đặng Đức Toại và trung uý Doãn Văn Cảnh trở thành những phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) của không quân Mỹ sau khóa đào tạo kéo dài 52 tuần với máy bay huấn luyện sơ cấp T-6 Texan II. Đây là chương trình học bổng dành cho các quốc gia thân thiện với Washington, nhằm xây dựng quan hệ giữa lãnh đạo lực lượng này với sĩ quan nước ngoài trong tương lai.
Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ cũng đang phối hợp với Việt Nam nhằm giải quyết những vấn đề trong chiến tranh như rà phá vật liệu chưa nổ, khắc phục hậu quả chất độc dioxin, tìm kiếm lính Mỹ mất tích và quy tập, hồi hương hài cốt binh sĩ thiệt mạng.
Hai năm sau chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt thăm Việt Nam từ ngày 5/3 đến 9/3 và tiến hành các hoạt động trao đổi chuyên môn kỹ thuật, giao lưu thể thao, cộng đồng tại Đà Nẵng.
Tiến sĩ Olli Pekka Suorsa, Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS), nói với VnExpress rằng việc Mỹ điều tàu USS Theodore Roosevelt đến Việt Nam cho thấy Washington quan tâm tăng cường hơn nữa quan hệ chiến lược với Hà Nội.
"Chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay thứ hai của Mỹ cho thấy sự phát triển tích cực trong quan hệ hai nước. Đà hợp tác tích cực trong quan hệ Việt - Mỹ là rõ ràng", Suorsa nói.
Vũ Anh (Theo NIDS)