Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 63 km đi qua địa phận tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa được triển khai giai đoạn 1 với 4 làn xe, nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng vốn hơn 12.000 tỷ đồng. Điểm đầu tuyến tại xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, kết nối với cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn; điểm cuối tại nút giao đường Nghi Sơn - Thọ Xuân, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Đoạn đường này sau khi thông xe, kết nối với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Cao Bồ - Mai Sơn tạo thành tuyến cao tốc dài 158 km từ Hà Nội đến Thanh Hóa. Tuy nhiên, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 hiện chưa có trạm dừng nghỉ.
Khu vực phía Nam, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) được kỳ vọng kết nối Nam Trung Bộ, đặc biệt là Ninh Thuận, Khánh Hòa với các điểm du lịch Phan Thiết, Mũi Né. Dự án dài 101 km, 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h, tổng vốn 11.000 tỷ đồng.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết kết nối với đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết; dài 99 km (đoạn qua Bình Thuận 47 km, Đồng Nai 52 km), rộng hơn 32 m, 6 làn xe, vận tốc 120 km/h, tổng vốn 12.500 tỷ đồng.
Đến nay, hai dự án này đã cơ bản liền mạch, một số đoạn đường đã được thảm nhựa, song vẫn chưa có trạm dừng nghỉ trên toàn tuyến dài 200 km. Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), cho biết tiêu chuẩn cao tốc quy định mỗi 50-60 km có trạm dừng nghỉ bình thường và mỗi 120 km có trạm quy mô lớn, nhà nghỉ. Chậm xây dựng các công trình này sẽ gây khó khăn cho lái xe và người tham gia giao thông khi cần ăn uống, vệ sinh, bơm xăng, kiểm tra lốp xe.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, giám đốc một Công ty vận tải hành khách tại Hà Nội, cho biết lái xe đường dài cần nghỉ ngơi, ăn uống sau 4 giờ làm việc. Xe phải được kiểm tra kỹ thuật, đổ xăng và hành khách cần được nghỉ ngơi, vệ sinh nên các tuyến cao tốc thiếu trạm nghỉ, cây xăng sẽ rất bất tiện.
'Khẩn trương đấu thầu chọn nhà đầu tư xây trạm dừng nghỉ'
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết nguyên nhân các dự án trạm dừng nghỉ chậm triển khai là do hạng mục này được tách làm dự án riêng, không nằm trong các dự án xây dựng đường cao tốc và được đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, thời gian qua, vấn đề này chưa có đủ quy định pháp lý để thực hiện. Bộ Giao thông Vận tải cũng cần thời gian xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn các trạm dừng nghỉ và khảo sát, thống nhất với các địa phương về vị trí đặt trạm.
Tuần trước, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định vị trí xây dựng trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc. Đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ xây trạm dừng nghỉ tại đoạn qua tỉnh Thanh Hóa; cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết xây dựng hai trạm tại tỉnh Bình Thuận; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng xây ở đoạn qua tỉnh Bình Thuận. Các trạm sẽ được đầu tư hạng mục cấp xăng, dầu, nghỉ ngơi, có nơi ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh.
Bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn về đấu thầu, tạo hành lang pháp lý đầu tư xây dựng hệ thống trạm dừng nghỉ; hoàn thành quy hoạch mạng lưới các trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc Nam. "Sau khi xác định vị trí trạm, các ban quản lý dự án sẽ giải phóng mặt bằng bằng vốn ngân sách, sau đó tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư", đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Theo ông Trần Chủng, việc đầu tư xây dựng trạm cần đồng bộ với mạng lưới cao tốc cả nước, tránh tình trạng mỗi địa phương xây dựng một kiểu, không đảm bảo khoảng cách. Các dự án cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước cần đấu thầu nhà đầu tư xây trạm dừng nghỉ; song dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa thì nên giao cho nhà đầu tư tuyến đường xây dựng để quản lý nhất quán.
Sau này, với phương án nhà nước nhượng quyền quản lý vận hành, bảo trì cao tốc, nhà đầu tư nhận nhượng quyền cũng cần được giao quản lý trạm dừng nghỉ để đồng bộ vận hành toàn tuyến.
"Trạm dừng nghỉ không chỉ phục vụ hành khách mà phải kinh doanh được mới hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, cần tôn trọng những sáng tạo, đề xuất của nhà đầu tư về thiết kế, quy mô trạm. Những đoạn cao tốc địa hình đẹp, trạm dừng nghỉ cần là nơi ngắm cảnh, giới thiệu sản phẩm địa phương, quảng bá du lịch", ông Trần Chủng đề xuất.