Trần Ngân An, 25 tuổi, Hà Nội, là cựu sinh viên ngành Du lịch và Quản trị khách sạn của Đại học Royal Roads (Canada). Sang Canada từ cuối tháng 12/2016, Ngân An gặp không ít khó khăn. Từ trải nghiệm cá nhân, Ngân An chia sẻ những điều cần lưu ý trước khi đặt chân lên hành trình du học.
Nghiên cứu điểm đến
Không chỉ là chọn trường nào, xếp hạng bao nhiêu, bạn còn cần nghiên cứu kỹ vùng đất mà bạn sẽ tới, cả về vị trí, thời tiết, sự đa dạng văn hóa, chất lượng và nhịp độ cuộc sống.
Trường Royal Roads nằm tại đảo Victoria, tỉnh British Columbia. Nơi đây ngoài những thuận lợi về mặt thời tiết, cảnh quan đẹp và người dân thân thiện thì việc ít phương tiện công cộng và chi phí cuộc sống đắt đỏ cũng là một trở ngại lớn. Tuy nhiên, trước khi du học, tôi không hề tìm hiểu kỹ điều này và đã rất bất ngờ khi đến nơi.
Do Victoria là một hòn đảo, mọi thứ bao gồm nhiên và nguyên liệu đều phải chuyển ra đây. Việc này khiến giá thành các mặt hàng thiết yếu đều cao hơn. Một kg gạo trong đất liền khoảng 2,7 CAD (đơn vị tiền tệ của Canada, khoảng 45.000 đồng) nhưng tại đảo hơn 3 CAD. Chênh lệch giữa 2,7 và 3 không nhiều, nhưng cộng dồn mọi thứ phải chi tiêu hàng ngày, tôi phải bỏ ra một số tiền đáng kể.
Ngoài giá nhu yếu phẩm, thời tiết và khí hậu ôn hòa tại Victoria cũng góp phần làm tăng nhu cầu mua nhà của người dân từ khu vực khác, muốn chuyển tới đây sống. Vì vậy, giá mua và thuê nhà ở thành phố này tăng mạnh.
Trước kia, với 800 CAD mỗi tháng, bạn có thể thuê một ngôi nhà khá ổn với đầy đủ công năng, nhưng chi phí hiện tại khoảng 1.200-1.800 CAD (gấp hơn hai lần). Hầu hết sinh viên chọn ở ghép để chia tiền thuê nhà với bạn cùng phòng. Chỉ những ai có công việc và thu nhập ổn định, thuộc mức khá mới có thể thuê một mình. Tôi cũng theo quy trình này, ở cùng bạn hồi sinh viên và khi tự chủ tài chính mới có thể thuê nhà.
Tìm hiểu kỹ ngành và trường
Với mỗi du học sinh, chọn trường hay ngành là một bước bắt buộc, thậm chí cần lên chiến lược và tìm hiểu cụ thể. Bạn cần nghiên cứu kỹ càng về ngành và trường đại học, đồng thời cân nhắc các yếu tố như điểm mạnh - yếu của trường, môi trường có gì hợp và không hợp, những hoạt động ở đó hướng tới gì... Tiếp đó, bạn cũng cần trả lời các câu hỏi ngành học của mình sẽ gồm những môn gì, kỹ năng mà khóa học hướng tới liệu có phù hợp và mình cần hay không.
Đại học Royal Roads (RRU) - điểm đến du học của tôi - là trường công lập hàng đầu tại Canada, giành nhiều giải thưởng và đứng vị trí cao trong các bảng xếp hạng học thuật, chất lượng giáo dục. Tôi học ngành Du lịch và Quản trị khách sạn tại Royal Roads và hiện đã tốt nghiệp.
Với tôi, đây là ngành học khá thú vị, phù hợp với năng lực bản thân. Tuy nhiên, tại thời điểm du học, tôi không tìm hiểu kỹ về chương trình nên đã rất bất ngờ khi phải học một số môn, theo tôi, là không liên quan và không thực sự cần thiết. Chẳng hạn Kiểm toán - môn đặc trưng của nhóm kinh tế và một số môn tôi thấy quá khô khan và không thực tiễn, khiến việc thực hành gặp khó khăn.
Còn về Royal Roads, hoạt động tại đây đa dạng, nhiều câu lạc bộ và sự kiện tình nguyện nhưng tôi cho rằng trường hơi thiếu sự đa dạng văn hóa. Trường tôi nhiều sinh viên châu Á (đông nhất là Trung Quốc) nên các bạn từ nơi khác đến khá ít, thậm chí với một số quốc gia, chỉ một sinh viên học tại Royal Roads.
Những rắc rối và bất tiện phía trên có thể không thực sự lớn, nhưng thời điểm du học, tôi cũng đã mất một thời gian để làm quen và vượt qua được những điều "không giống như mình tưởng tượng". Do đó, tôi nghĩ nếu có sự chuẩn bị tốt hơn, tôi sẽ không phải trải qua những cú sốc nhẹ không đáng có. Việc tìm hiểu kỹ và trường sẽ du học còn giúp bạn định hướng rõ hơn về tương lai, nghề nghiệp của mình, giảm khả năng chọn sai ngành, nghề.
Trau dồi kỹ năng tự lập
DIY (Do it - yourself) là thuật ngữ dùng để mô tả hành động hoặc sản phẩm được thực hiện mà không có sự trợ giúp của chuyên gia, nôm na là "tự làm". Khi ở Việt Nam, tôi vẫn nghĩ về DIY là các món đồ lưu niệm và hiếm khi tự tay làm sản phẩm gì. Tôi nghĩ chúng rất mất thời gian và phức tạp, thậm chí tránh luôn việc mua đồ DIY vì tôi rất vụng về trong việc xử lý những chi tiết nhỏ.
Nhưng cuộc sống du học đã khiến tôi trở nên tự lập. Như đã đề cập, vì ở đảo nên chi phí mua sắm mọi thứ cũng đắt đỏ. Mỗi khi có thể, người dân tại đây, thay vì chỉ tự làm các món đồ lưu niệm, mà còn cả những đồ gia dụng. Từ đó, tôi cũng thử thách bản thân trong nhiều dự án DIY.
Trong lần đầu tiên làm đồ DIY, tôi và bạn cùng phòng nhận làm một chiếc cũi trẻ em cho một người bạn. Lúc đó, do chưa có nhiều kinh nghiệm, chúng tôi đọc nhầm hướng dẫn và tạo ra một chiếc bàn kỳ quái. Không thể tự giải quyết, tôi và bạn cùng phòng phải tìm đến sự giúp đỡ của hàng xóm. Lúc đó, tôi thực sự đã ước mình chịu khó trau dồi kỹ năng tự lập nhiều hơn khi còn ở Việt Nam. Không chỉ gồm biết nấu ăn hay chăm sóc bản thân, tôi nghĩ kỹ năng tự lập còn việc bạn có thể tự làm hoặc sửa chữa các món đồ trong nhà (ở mức độ đơn giản).
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người (trong đó có tôi trước kia) rằng đồ DIY thường không bền, những món đồ tôi mua và tự làm khi du học đều rất tốt. Cửa hàng cũng gửi kèm hướng dẫn chi tiết nên bạn sẽ không gặp quá nhiều khó khăn. Thêm vào đó, làm đồ DIY cũng là cách tuyệt vời để bạn và mọi người xung quanh kết nối với nhau.
Khi đã dần quen và thành thục sử dụng một số dụng cụ DIY, tôi thấy mình có kỹ năng tự lập tốt hơn, không còn hốt hoảng hay quá lo lắng khi các đồ dùng trong nhà bị hỏng. DIY cũng trở thành sở thích của tôi mỗi khi rảnh rỗi. Tôi thấy DIY thực sự là cách tuyệt vời để bạn rèn luyện tính khéo léo, kiên nhẫn, sáng tạo và tiết kiệm chi phí.
Ngân Hà