Tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, ngày 13/5, nhóm tác giả cuốn sách Oxford: Giấc mơ có thật đã chia sẻ trải nghiệm trong quá trình ứng tuyển, học tập và hỗ trợ ứng viên nộp hồ sơ vào Đại học Oxford, trường top 1 thế giới, theo QS.
Trong đó, các diễn giả chỉ ra ba lỗi hồ sơ có thể khiến ứng viên bị ngôi trường này từ chối.
Thiếu định hướng nghiên cứu
Trần Mỹ Ngọc, thạc sĩ ngành Giáo dục, Đại học Oxford, năm 2021, cho biết nhìn chung các đại học Anh đề cao yếu tố học thuật trong hồ sơ, dù ở bậc đại học hay sau đại học.
Theo chị Ngọc, yêu cầu này một phần xuất phát từ việc chương trình học tại Anh tương đối ngắn với ba năm đại học, một năm thạc sĩ và ba năm tiến sĩ. Trong khi ở Mỹ, chương trình đại học kéo dài 4 năm, thạc sĩ khoảng 2 năm, còn tiến sĩ thường từ 4 năm trở lên.
"Như vậy, bạn chỉ mất 7 năm để lấy được tấm bằng tiến sĩ ở Anh, nên phải có định hướng nghiên cứu từ sớm, không có thời gian học thử hay trải nghiệm rồi mới chọn", chị Ngọc nói.
Theo Vũ Đỗ Khanh, thạc sĩ ngành Chính sách công năm 2016, việc chú trọng định hướng nghiên cứu còn xuất phát từ đặc thù chương trình phổ thông A-Level tại Anh. Khi học A-Level, học sinh đã bước đầu định hướng theo lĩnh vực gì, thể hiện ở việc học môn tự chọn nào.
Từng làm thư ký trong vòng phỏng vấn tuyển sinh của các giáo sư Oxford, anh Khanh thấy rằng gần như câu đầu tiên hội đồng hỏi ứng viên là về định hướng nghiên cứu.
"Một người chưa có hướng đi gần như không bao giờ được chọn. Đơn giản là trường sẽ cho rằng tại sao tôi phải nhận bạn trong khi bạn còn không biết mình sẽ làm gì ở đây", anh Khanh chia sẻ.
Vì vậy, các cựu sinh viên cho rằng nếu chưa có định hướng, ứng viên chưa nên nộp Oxford, dù hồ sơ nhiều thành tích. Theo anh Khanh, việc xác định mình sẽ theo đuổi lĩnh vực gì là một câu hỏi không dễ trả lời, nên một hồ sơ chất lượng để ứng tuyển Oxford nên được đầu tư trong 3-4 năm. Đây không chỉ là thời gian hoàn thành hồ sơ, mà còn là thời gian để ứng viên chắc chắn về hướng đi, tham gia các hoạt động, nghiên cứu liên quan lĩnh vực đó.
Nói quá nhiều về thất bại, khó khăn
TS Chu Công Sơn, tốt nghiệp ngành Khoa học Vật liệu, Đại học Oxford, năm 2020, cho biết trong nhiều năm hướng dẫn ứng viên nộp hồ sơ, anh thường bắt gặp bài luận theo motif: Tôi làm một điều gì đó rồi thất bại một hoặc nhiều lần, sau đó làm lại và thành công.
"Bài luận dạng này quá dễ trượt", anh Sơn nói.
Đồng tình, thạc sĩ Đỗ Khanh cho biết với vị thế là đại học top 1 thế giới, Oxford luôn chú trọng tuyển sinh viên xuất sắc, thậm chí tinh hoa.
"Từ góc nhìn của trường, một người thất bại nhiều lần không phải là người xuất chúng", anh Khanh nhìn nhận.
Tương tự với việc "kể khổ" trong bài luận, các cựu sinh viên thấy rằng không nên than thở quá nhiều. Việc này sẽ phản tác dụng, không giúp bạn trúng tuyển hay giành học bổng, mà thường bị đánh trượt.
"Hội đồng tuyển sinh có thể cho rằng một người giỏi, có nhiều kỹ năng sống sẽ không để cuộc sống của mình rơi vào tình cảnh tệ như vậy. Nếu không tự giải quyết và tìm được hướng đi cho bản thân, sao bạn có thể trông chờ trường làm giúp việc này?", anh Khanh đặt câu hỏi.
Vì vậy, ứng viên chỉ nên đề cập khó khăn, nếu điều này liên quan và tác động trực tiếp tới nhận thức, đóng vai trò là bước ngoặt để thay đổi bản thân. Khi viết về khó khăn, bạn cũng không nên sa đà, mà coi đây là một cái cớ để viết sâu hơn về những gì mình thay đổi, cố gắng hơn.
Sa đà liệt kê thành tích
Anh Sơn cho rằng việc quá chú trọng liệt kê thành tích nhỏ trong hồ sơ, thậm chí bài luận chính cũng khiến ứng viên trượt Oxford.
"Nhiều bạn sa đà kể thành tích cấp ba, học trường chuyên, được các giải thưởng cấp quận, thành phố và dành cả đoạn để kể lể về nó", anh Sơn nói. "Điều này không hiệu quả".
Do chú trọng tính học thuật và định hướng nghiên cứu, Oxford cũng cần ứng viên có những thành tích nổi bật, thống nhất hoặc ít nhất bổ trợ cho định hướng đó, theo các cựu sinh viên.
Anh Khanh nhìn nhận không có công thức chung cho việc này, nhưng ứng viên nên ưu tiên thành tích gần với thời điểm nộp hồ sơ, ở cấp quốc gia trở lên. Với các chứng chỉ chuẩn hóa, trừ khi đó là tiêu chí bắt buộc, còn nếu không lọt top 1-2% điểm cao nhất, ứng viên cũng có thể cân nhắc không đưa vào hồ sơ.
Thanh Hằng