Chuỗi đêm trắng bắt đầu từ khuya 1/2, khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai nhận thông báo nam bệnh nhân 18 tuổi đang điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới dương tính nCoV, (sau này, anh được Bộ Y tế ghi nhận là "bệnh nhân 1888"). Không chờ đợi kết quả khẳng định lại từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, bệnh viện kích hoạt ngay phòng tuyến chống dịch.
Hai chốt chặn ở hai cổng viện được khởi động, "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Lúc này, trong viện có khoảng 1.300 người, gồm 505 bệnh nhân nội trú, 572 người nhà và gần 200 nhân viên, bác sĩ Bùi Viết Hoàng, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, nhớ lại.
Vì không thể triệu tập thêm nhân sự từ ngoài vào, 200 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ lý, bảo vệ... đang có mặt được huy động tiếp tục làm việc đến khi nào xong việc mới ngừng. Đồng thời, họ phải chia nhỏ lực lượng, phân công lại nhiệm vụ. Một nhóm chịu trách nhiệm chuyên môn, tiếp tục chăm sóc bệnh nhân. Còn nhóm của bác sĩ Hoàng tham gia truy vết những người đã tiếp xúc với ca dương tính, đưa đi cách ly và lấy mẫu xét nghiệm ngay.
"Phải tìm thấy tất cả F1 trong đêm, nhưng tuyệt đối không để bệnh nhân và người nhà hoảng loạn", là lệnh khẩn mà ban giám đốc đưa ra.
Bác sĩ Hoàng cho biết, đêm 1/2, anh và các cộng sự nhóm truy vết "không còn thời gian để thở". Thay vì tranh thủ chợp mắt giữa ca trực như mọi khi, họ túa đi khắp bệnh viện trong im lặng.
Người trích xuất camera an ninh, người lục lại hồ sơ trực đêm 31/1, thời điểm bệnh nhân có mặt tại khoa Cấp cứu và khoa Bệnh Nhiệt đới. Một số đồng nghiệp khác gọi điện thoại cho các trường hợp đã xác định, yêu cầu cách ly, khai báo y tế ngay. Hàng trăm cuộc gọi đến và đi liên tục khiến những chiếc điện thoại nhanh chóng hết pin, phải vừa sạc vừa dùng, nóng rẫy.
Sau 6 tiếng, đến 4h sáng ngày 2/2, tất cả 24 F1 là bác sĩ, điều dưỡng đã khám, điều trị cho ca dương tính đã được khoanh vùng. Việc phân luồng giao thông một chiều trong nội khu cũng hoàn tất. Xong xuôi, lệnh phong toả bệnh viện chính thức được phát đi.
Cùng nhóm với bác sĩ Hoàng còn có anh Đào Ngọc Quân, phó trưởng phòng Điều dưỡng. Anh cùng lực lượng dân phòng, công an tăng cường tuần tra dọc theo hàng rào bệnh viện. Đội đã kịp thời ngăn chặn nhiều trường hợp thân nhân người bệnh tranh thủ trời tối, trèo tường ra ngoài trốn cách ly.
"Chúng tôi hiểu tâm trạng hoang mang lo lắng của họ, nhưng buộc cưỡng chế đưa vào lại. Bất kỳ ai lọt ra ngoài đều là mối nguy cho cộng đồng", điều dưỡng Quân nói.
Theo ứng dụng đếm số bước chân trên di động, trong ba ngày đêm bệnh viện phong toả, trung bình mỗi ngày điều dưỡng Quân đi bộ hơn 18.000 bước, tương đương 14 km. Anh cho hay, con số này gấp ba lần quãng đường anh đặt ra khi tập thể dục hàng ngày. Và thay vì thư thái đi vài vòng công viên, anh bó mình trong bộ đồ bảo hộ, đến từng ngõ ngách của bệnh viện, khi trấn an bệnh nhân, khi tiếp nhận đồ tiếp tế, lúc chỉ huy chống dịch.
Bác sĩ Hoàng cũng không kịp về nhà lấy áo quần, anh trưng dụng luôn bộ đồ mặc trong phòng mổ, cùng đôi dép tổ ong, "cho tiện chạy". Chân họ phồng rộp, nổi bọc nước vì đi lại qúa nhiều
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Phương, khoa Ngoại Tổng hợp, cũng bị cách ly tại bệnh viện trong giai đoạn nóng bỏng này. Chị tâm sự, đó là "ca trực bất tận", dài nhất trong gần 20 năm làm điều dưỡng của mình. Bình thường, nhân viên y tế chỉ làm việc tối đa 24 giờ, sau đó về nhà nghỉ ngơi, hồi phục sức khoẻ cho ngày làm việc tiếp theo. Còn lần này, 9 bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý của khoa chị chuẩn bị sẵn tâm lý có thể vừa trực, vừa cách ly 21 ngày.
Khoa Ngoại tổng hợp lúc đó có 54 bệnh nhân, nhiều ca hậu phẫu nặng sau mở lồng ngực do tai nạn giao thông, chấn thương vùng bụng, cắt khối ung thư... cần chăm sóc 24 /24 giờ. 9 nhân viên y tế không đủ để chia kíp, họ bắt buộc làm việc cùng nhau cho đến khi hết việc. Chị Phương cho hay, ai cũng túi bụi với hồ sơ bệnh án, tiếp tế thức ăn, chăm sóc bệnh nhân... chẳng có thời gian cầm lấy điện thoại cập nhật tin tức, thậm chí nghe điện thoại của con. Mọi hoạt động ăn uống, tắm rửa, ngủ nghỉ bố trí cơ động trên tinh thần "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương". Tổng cộng chị ngủ khoảng 10 tiếng cho cả ba ngày đêm.
"Ôi mình không thấy mệt hay buồn ngủ đâu. Đồng đội ai cũng chạy như con thoi cả", chị Phương nói.
Theo bác sĩ Hoàng, đây là thời điểm anh cảm nhận rõ nhất sức mạnh đoàn kết của tập thể. Dù ai cũng phờ phạc, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ và làm việc quá sức suốt ba ngày đêm, nhưng khi có lệnh điều động, tất cả đều tự giác làm ngay, không phàn nàn hay từ chối.
Anh kể, đêm 2/2, khi đang đi tuần, anh bắt gặp một chị hộ lý nép mình trong góc cửa, bưng mặt khóc nức nở. Chị nói, cả hai vợ chồng chị đều bị cách ly, hai đứa con nhỏ ở nhà không biết nấu cơm, ba bữa rồi chúng đều ăn mì tôm. Người mẹ bất lực và thương con, nhưng kiên quyết không xin "đặc cách" để về.
May mắn, ngoài "bệnh nhân 1888", bệnh viện không phát sinh ca nhiễm mới. 1.300 nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà đều có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV hai lần. Trưa 4/2, bệnh viện được gỡ phong toả, trở lại hoạt động bình thường, công việc ba ngày liên miên ngừng lại trong niềm vui vỡ òa của các y bác sĩ và bệnh nhân.
Thư Anh