Bác sĩ Lê Thanh Tĩnh, 31 tuổi, và vợ, bác sĩ Đỗ Thị Bích Phượng, 32 tuổi, là nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch tại Quảng Ninh. Anh Tĩnh làm nhiệm vụ kiểm soát nhiễm khuẩn ở Bệnh viện dã chiến số 2, còn chị Phượng điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh. Cả hai đã cùng nhau đi chống dịch trong suốt một năm dài vừa qua.
Đêm 4/2, nhận được cuộc gọi của chồng, chị Phượng liền chạy đi tìm nơi yên tĩnh để nghe. Đây là khoảng thời gian hiếm hoi trong ngày hai vợ chồng không phải đeo khẩu trang hay mặc đồ bảo hộ. Nghe con gái kể chuyện trong ngày, anh chị hứa "ở nhà ngoan, bố mẹ sẽ sớm về".
Sáng 28/1, Quảng Ninh và Hải Dương phát hiện hai ca Covid-19 mới trong cộng đồng. Trưa cùng ngày, số ca tăng lên đến 82, hình thành hai ổ dịch lớn. Chị Phượng khi đó đang nghỉ ngơi tại nhà thì nhận được tin triệu tập gấp từ bệnh viện. Chồng chị cũng hủy lịch làm việc tại Sở, cấp tốc trở về bệnh viện họp khẩn. Sau đó từng người nhận nhiện vụ của mình: bác sĩ Phượng đến khu điều trị bệnh nhân Covid-19; bác sĩ Tĩnh đến Bệnh viện dã chiến số 2, cách đó 20 km. Đồng hồ lúc đó chỉ 2h, ngày 29/1.
Bác sĩ Tĩnh cấp tốc trở về nhà, tạm biệt con gái rồi lấy máy tính và vài bộ quần áo để đến bệnh viện dã chiến. Cùng lúc đó, bác sĩ Phượng và nhân viên xét nghiệm bắt tay ngay vào sàng lọc 50 mẫu bệnh phẩm đầu tiên, xuyên đêm. Trong căn phòng đâu đâu cũng là mẫu thử, đôi mắt của cán bộ y tế phải căng ra còn đôi tay thoăn thoắt sắp xếp, ghi chép, dán thông tin bệnh phẩm... "Cuộc truy tìm các F trở nên khẩn trương và tốc chiến hơn bất cứ lúc nào", chị Phượng nhớ lại.
Hiện, Bệnh viện Sản nhi chỉ còn điều trị cho một bệnh nhân Covid-19 và hơn 30 ca F1. Tự so sánh, chị Phượng nói đợt dịch này như cơn bão lớn, ập đến với số lượng F1 truy vết không xuể.
Thỉnh thoảng, chị gọi cho chồng để trao đổi công việc, tìm hiểu tình hình ở viện dã chiến. Còn anh luôn dặn vợ kiểm soát nhiễm khuẩn, giữ gìn, tránh lây nhiễm chéo khi điều trị bệnh nhân.
Bệnh viện dã chiến số 2 bắt đầu nhận bệnh nhân Covid-19 từ ngày 2/2, đến nay 242 bệnh nhân, trong đó 22 bệnh nhân dương tính, 218 F1, 4 F2. Các bệnh nhân F1 đã được xét nghiệm lần một âm tính, đang chờ kết quả lần hai.
Đợt dịch mới với virus biến chủng, lây lan nhanh nên quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn càng chặt chẽ. Mọi người được tư vấn quy trình để hướng dẫn cho bệnh nhân, nhân viên y tế, thực hiện nghiêm vệ sinh tay, đeo khẩu trang, mặc trang phục đúng, tháo phòng hộ chuẩn để không lây nhiễm chéo.
"Công việc lặp đi lặp lại nhưng quan trọng. Khử khuẩn thường xuyên, đúng quy trình là cách duy nhất đảm bảo virus không bám trên bề mặt, lây lan khắp nơi", anh nói.
Guồng công việc lớn, nhiều khi quá tải. Nhiều nhân viên y tế phải ăn tối lúc 1h sáng. Ngoài điều trị, cách ly ca nghi ngờ, các bác sĩ cũng điều trị cho bệnh nhân từ tâm dịch chuyển lên. Tất cả động viên "không được gục", phải vượt qua đại dịch. Trong bệnh viện, nhiều y bác sĩ gác lại việc riêng tư để tập trung chống dịch, có người vợ vừa sinh, có người nhiều năm chưa có mặt ở nhà ngày Tết.
Xác định năm nay không có Tết, điều anh Tĩnh mong muốn nhất khi trở về là được ôm lấy con gái, kể cho con nghe về những ngày chống dịch. Chị Phượng ước về nhà đưa con đi chơi Công viên Mặt trời và chụp một tấm ảnh ba người trong nhà.
"Giữa đại dịch, hạnh phúc chỉ đơn giản là được về nhà", chị Phượngchia sẻ.
Thùy An