Dữ liệu được Times Higher Education (THE) công bố ngày 28/10 sau khi nghiên cứu, đánh giá 1000-1.800 đại học tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
So với năm ngoái chỉ góp mặt tại ngành Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội góp mặt tại ba ngành năm nay. Với Khoa học máy tính, trường đứng thứ 501-600 thế giới, cao hơn Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM khoảng 200 bậc.
Tại ngành Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp trong nhóm 401-500, cũng cao hơn hai trường còn lại. Năm ngoái, tại ngành này, vị trí dẫn đầu thuộc về Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội còn có ngành Khoa học Vật lý góp mặt trong top 601-800.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng ghi tên mình trong bảng xếp hạng thế giới của ba ngành Khoa học máy tính, Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Vật lý. Đây đều là những ngành thế mạnh của trường.
Trong ba ngành, Kỹ thuật và Công nghệ có thứ hạng cao nhất (501-600), Khoa học máy tính (601-800) và Khoa học Vật lý (801-1000). Dù có thứ hạng cao nhất của năm nay, ngành Kỹ thuật và Công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn xếp thấp hơn năm ngoái khoảng 200 bậc.
So với hai trường kể trên, Đại học Quốc gia TP HCM có nhiều ngành lọt top nhất. Trừ ba ngành giống với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội, trường còn có thêm ngành Kinh doanh và kinh tế 601+ , Khoa học đời sống 601-800.
Ba ngành Khoa học máy tính, Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học đời sống của trường xếp thứ 601-800 thế giới, giữ nguyên như năm ngoái, ngành Khoa học Vật lý 801-1000, còn Kinh doanh và kinh tế xếp hạng 601+.
Đầu tháng 9, theo bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới năm 2021 của THE, Đại học Quốc gia Hà Nội lần thứ năm liên tiếp đứng trong nhóm 801-1.000. Đại học Quốc gia TP HCM nhóm 1.001+, còn Đại học Bách khoa Hà Nội tụt từ nhóm 801-1.000 xuống nhóm 1.001+ trong tổng số 1.527 trường được xếp hạng.
Bảng xếp hạng đại học thế giới theo lĩnh vực năm 2021 của THE dựa trên 13 chỉ số đánh giá, giống với bảng xếp hạng đại học thế giới 2020 (THE WUR). Các chỉ số này được chia thành năm nhóm gồm: đào tạo (30%), nghiên cứu (30%), trích dẫn (27,5%), danh tiếng quốc tế (7,5%) và nguồn thu từ hợp tác với doanh nghiệp (5%). Tuy nhiên, đối với mỗi nhóm ngành cụ thể, phương pháp tính được hiệu chỉnh một chút cho phù hợp.
Thanh Hằng