"Tôi có 10 cố vấn quanh mình, nhưng ba con trai tôi là những cố vấn chiến lược thân cận nhất. Chúng tôi thường xuyên trao đổi quan điểm và cùng nhau phân tích mọi thứ", Thủ tướng Campuchia Hun Sen tiết lộ trong một sự kiện hồi năm 2021, đề cập đến ba "quý tử" là Hun Manet, Hun Manith và Hun Many.
Ông Hun Sen ngày 26/7 thông báo từ chức Thủ tướng, đồng thời cho biết con trai Hun Manet sẽ được bổ nhiệm làm lãnh đạo chính phủ mới trong khoảng ba tuần tới. Đây là điều được dự đoán từ lâu, khi ông Hun Sen đã nhiều lần ca ngợi năng lực lãnh đạo của con trai cả.
Vào đêm Hun Manet chào đời ngày 20/10/1977 tại làng Koh Thmar thuộc tỉnh Kampong Cham, Campuchia, ông Hun Sen cho biết đã nhìn thấy "một vệt sáng bay qua mái nhà" và tin rằng đây là dấu hiệu về tương lai tươi sáng của cậu.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Manet gia nhập Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) năm 1995, rồi được cử đi du học tại Học viện Lục quân West Point danh giá của Mỹ. Tháng 5/1999, ông trở thành người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp học viện West Point và là một trong bảy sinh viên nước ngoài ra trường năm đó.
Sau khi về nước, Manet được phong hàm trung úy của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia rồi nhanh chóng được đề bạt các vị trí cao trong quân đội. Ngoài trình độ quân sự, ông còn theo học chuyên ngành kinh tế và có bằng thạc sĩ Đại học New York của Mỹ năm 2002, rồi bằng tiến sĩ Đại học Bristol của Anh vào năm 2008.
Năm 2011, ông được phong hàm thiếu tướng, lên trung tướng hai năm sau đó và trở thành đại tướng năm 2018, giữ chức Tư lệnh lục quân kiêm phó tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF). Ông còn kiêm nhiệm hai trọng trách là chỉ huy đơn vị cận vệ Thủ tướng và lãnh đạo bộ phận chống khủng bố của Bộ Quốc phòng.
Trong cuộc đối đầu giữa Campuchia và Thái Lan xung quanh đền Preah Vihear năm 2008-2011, ông Hun Mante đã đóng vai trò nổi bật trong đàm phán chấm dứt tình trạng bế tắc. Ông cũng tham gia tích cực vào quá trình cải cách RCAF, trong đó tập trung cho lực lượng sĩ quan và binh sĩ trẻ.
Ngoài các vị trí quan trọng trong quân đội, Hun Manet còn thăng tiến nhanh chóng trong hệ thống chính trị. Tháng 12/2018, ông được bầu vào ủy ban thường vụ đảng Nhân dân Campuchia (CPP). Năm 2020, ông được thăng chức từ phó bí thư lên bí thư trung ương đoàn thanh niên CPP.
Đại tướng Hun Manet còn được đánh giá là gương mặt được lòng giới trẻ Campuchia. Ông xây dựng hình tượng chính khách học vấn cao, luôn cư xử chừng mực và dễ gần.
Manet là người đứng đầu Ủy ban Học bổng Samdech Techo Hun Sen, tổ chức cung cấp cơ hội học bổng cho hàng nghìn thanh niên Campuchia để học đại học. Ông cũng là chủ tịch Hội đồng quản trị của Hiệp hội Bác sĩ tình nguyện Samdech Techo, huy động hàng nghìn nhân viên y tế và tình nguyện viên giúp chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người dân vùng nông thôn. Ông còn thúc đẩy các hoạt động nhân đạo giúp đỡ trẻ mồ côi và khuyết tật.
Hun Manet kết hôn với Pich Chanmony, con gái của Pich Sophoan, cựu lãnh đạo Bộ Lao động.
Thủ tướng Hun Sen nhiều lần khẳng định con trai Hun Manet "xứng đáng" và hoàn toàn có khả năng lãnh đạo chính phủ nhờ năng lực bản thân.
Khác với anh cả, Hun Manith, người con trai thứ hai trong gia đình Thủ tướng Campuchia, được giới quan sát nhận định có tính cách hướng nội. Manith, sinh ngày 17/10/1981, là trung tướng Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) và là chỉ huy Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Campuchia.
Manith cũng từng học tập ở nước ngoài và thăng tiến trong hàng ngũ lực lượng vũ trang từ năm 2009, trước khi được điều chuyển sang mảng tình báo quân đội rồi trở thành Tổng cục trưởng vào năm 2017.
Hun Manith còn từng đảm nhận các vị trí trong Ủy ban Giải quyết biểu tình và đình công, Ủy ban Giải quyết tranh chấp đất đai, Văn phòng Thủ tướng và Ủy ban Giám sát trung ương CPP. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi năm 2016 với Khmer Times, Hun Manith được tờ báo mô tả là "một trong những người quyền lực nhất Campuchia".
Manith ít xuất hiện trước công chúng hơn các thành viên khác trong gia đình. Vợ ông là Hok Chendavy, con gái cựu lãnh đạo cảnh sát quốc gia Hok Lundy.
"Ông ấy không thích trở thành tâm điểm chú ý như những người anh em còn lại trong nhà. Có lẽ bản thân Manith hoặc cha ông cảm thấy ông không hợp với những vị trí cấp cao", Ou Virak, nhà sáng lập cơ quan tư vấn chính sách Diễn đàn Tương lai tại Campuchia, đánh giá.
Không theo con đường binh nghiệp, Hun Many, con trai út của Thủ tướng Hun Sen, tham gia nghị trường ở tuổi 30 và trở thành nghị viên trẻ nhất quốc hội Campuchia khi đắc cử đại biểu tỉnh Kampong Speu vào năm 2013. Ông cũng là Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Campuchia.
Many, sinh ngày 27/11/1982, cũng từng được đào tạo về chính trị ở nước ngoài. Ông thường xuyên lên tiếng về vấn đề chính trị trong nước, trong đó có những lần phản pháo chính trị gia đối lập hoặc tổ chức nước ngoài bị cáo buộc can thiệp vấn đề nội bộ Campuchia.
Many không ngại xuất hiện trước báo giới, tích cực truyền tải chính sách và từng hé lộ nguyện vọng kế nhiệm cha. Khmer Times năm 2015 từng gọi ông là "ngôi sao đang lên" trong CPP và tuyên bố ông là "thủ lĩnh thanh niên" của Campuchia vào năm 2016.
Hun Many hồi tháng 8 năm ngoái nói rằng ông muốn được công nhận vì những gì đã làm cho xã hội hơn là tư cách con trai của Thủ tướng. "Là con của thủ tướng không có nghĩa bạn không phải làm việc chăm chỉ, không có chủ kiến, mà đặc biệt phải hành động để đạt được bất kỳ mục tiêu nào. Tôi có thể không nhất thiết phải làm những việc đó, nhưng đó không phải điều tôi muốn", ông nói.
Dù thể hiện tham vọng chính trị, Hun Many vẫn ủng hộ Hun Manet, khẳng định anh trai đã chứng tỏ sự trưởng thành, được nhiều người yêu mến và tôn trọng.
"Anh Net! Chúng em đặt niềm tin vào anh", ông Many viết trong bài đăng Facebook ngày 26/7, sau khi anh cả được bố giao trọng trách lãnh đạo chính phủ.
Thanh Tâm (Theo Khmer Times, Phnom Penh Post, Cambodianess, WP)