Mark Vette, nhà hành vi động vật của một công ty New Zealand, chuyên huấn luyện động vật đóng phim, dùng thức ăn để nhử Rambo nhấn vào nút sập màn trập máy ảnh theo tiếng còi báo hiệu. Con bạch tuộc nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, nhưng trước đó, trong lúc tập luyện, nó từng phá hỏng hai máy ảnh.
Vetter mất 6-8 tuần để huấn luyện Rambo. Phần khó nhất là dựng khung đỡ máy ảnh, nó phải đủ chắc để chịu được sự tấn công của con bạch tuộc tò mò. "Chúng tôi phải làm đi làm lại hàng chục lần," ông nói.
Rambo khá thông minh, chỉ mất 3 lần thử là nó biết chụp ảnh, ông Vette cho biết. Ông nói, phải huấn luyện cho Rambo hiểu rằng, tiếng còi vang lên có nghĩa là nó phải chụp ảnh trước, rồi mới được cho ăn.
Khi bạch tuộc chạm vào đồ vật, chúng thường quan sát rồi gỡ thử món đồ ra xem có gì ăn không, Rich Ross, nhà sinh học biển ở Viện Khoa học California, San Francisco nói. "Chúng là những kẻ rất thích ăn."
Ngoài ra, bạch tuộc cũng là loài hiếu kỳ. Nếu người ta không đưa chúng đồ chơi, hoặc bắt chúng vận động, chúng sẽ rất nhanh chán. Và một con bạch tuộc đang chán sẽ tìm kiếm trò chơi xung quanh mình, chẳng hạn như là bò ra ngoài thành bể, ông Ross nói.
Brian Skerry, nhiếp ảnh gia của National Geographic, cho biết ông ngả mũ kính phục trước trí thông minh của loài bạch tuộc.
"Mỗi lần chụp ảnh với chúng là mỗi lần đấu trí," ông nói, bởi loài vật này biết đổi màu da, co người lại và chui vào những khoảng trống nhỏ để trốn. "Tôi lúc nào cũng cười ngất khi làm việc với chúng, " ông nói, bởi vì "chúng thật ranh mãnh."
Một vài bức hình của 'nhiếp ảnh gia bạch tuộc' được tải lên trang Facebook của hãng Sony ở New Zealand. Nhìn chung, các bức chân dung chụp khá đẹp, cho dù trong một vài tấm, xúc tu của Rambo không may vẫn dính trong ảnh.
Cả Skerry và Ross đều không ngạc nhiên khi Rambo biết chụp ảnh. Thủy cung Kelly Tarlton ở Aukland, New Zeanland, nơi Rambo đang sống, bán ảnh nó chụp với giá khoảng 1,5 USD một tấm. Số tiền thu được sẽ dùng để triển khai các hoạt động và chương trình thủy sinh.
Hồng Hạnh