Theo National Geographic, khi nghe tiếng Alexander gọi, hai con bơi lại gần, để anh giúp chúng gỡ cổ và cánh khỏi nhau.Vitaly, anh trai của Alexander cho biết, video quay cảnh giải cứu năm 2009, nhưng gần đây mới lan truyền rộng rãi trên mạng.
"Thành thật mà nói, tôi vô cùng ngạc nhiên khi đôi thiên nga bơi lại gần. Tôi có cảm giác chúng hiểu điều tôi nói," Alexander nói.
Theo ông Brian K.Schmidt, một nhà điểu học tại Bảo tàng Quốc gia Tự nhiên Smithsonian ở thủ đô Washington, Mỹ, thiên nga đực rất dễ bị xoắn vào nhau.
"Con đực thường chiến đấu bảo vệ lãnh thổ khỏi con khác, đang cố gắng chiếm lấy lãnh thổ của nó. Thiên nga đực và cái đều có thể trở nên cực kỳ hung hăng, đặc biệt là con đực," ông nói.
"Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cảnh tượng này, nhưng tôi chắc rằng, việc này đôi khi vẫn xảy ra trong tự nhiên. Nó tương tự như việc hươu bị mắc sừng vào nhau."
"Nếu kẻ xâm phạm không lùi lại, sẽ diễn ra cuộc đấu tay đôi với con kia. Lũ thiên nga sẽ đập cánh để tấn công, và dùng mỏ mổ vào người đối phương," Schmidt cho biết. "Hầu hết con đực, chủ nhân lãnh thổ, sẽ chiến thắng, và kẻ xâm phạm phải rút lui."
Nói về hành động bơi lại gần Alexander của đôi thiên nga, ông Schmidt đánh giá, hành vi này rất hiếm gặp, hoặc đây chỉ là nỗ lực xua đuổi kẻ xâm phạm là con người ra chỗ khác. Những loài chim hoang dã thông thường rất e ngại con người và muốn tránh xa họ.
"Những con thiên nga cá biệt này đã kiệt sức vì trận chiến và mắc kẹt vào nhau. Video cho thấy, sau khi được giải cứu, cả hai đều cố chạy xa khỏi 'ân nhân' càng sớm càng tốt," ông nói.
"Người cứu đôi thiên nga cực kỳ thông minh và thận trọng, đã khéo léo gỡ chúng ra vì rất có thể, chúng sẽ cắn anh," Schmidt nói. Tuy nhiên, ông khen ngợi hành động can thiệp của Alexander đã cứu sống hai con vật.
"Bị xoắn vào nhau, tôi đoán rằng, chúng sẽ chết đuối, hoặc chết đói nếu như hai người họ không phát hiện ra."
Về phần mình, Alexander tự nhận mình và Vitaly là những nhà nhiếp ảnh động vật hoang dã, đam mê tự nhiên. Anh rất vui vì đã cứu sống đôi chim.
Hồng Hạnh