Cuối cùng thì hai bên xung đột ở Ukraine đã đạt thỏa thuận ngừng bắn với sự hỗ trợ của Nga và châu Âu vào ngày 5/9. Trong khi Moscow tin tưởng rằng tình thế hòa hoãn sẽ được chấp hành để chấm dứt đổ máu, thì dân chúng Ukraine vẫn chưa tin, còn phía Mỹ thì tỏ rõ nghi ngờ.
Sự hoài nghi về khả năng tồn tại lâu dài của lệnh ngừng bắn phản ánh xung đột lợi ích trên thực tế, bởi phương Tây muốn Kiev trở thành đồng minh, còn Nga sẽ không để người láng giềng của mình ngả vào vòng tay của Mỹ và NATO.
Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO cuối tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo khối quân sự này không nên đề nghị Ukraine trở thành thành viên, đồng thời khuyến cáo Mỹ đừng cố áp đặt ý chí của mình đối với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
"Đó sẽ là một nỗ lực trắng trợn làm hỏng tất cả mọi cố gắng nhằm bắt đầu cuộc đối thoại về đảm bảo hòa giải dân tộc", Reuters dẫn lời ông Lavrov.
Ukraine là quốc gia lớn nhất nằm đệm giữa biên giới của Nga và liên minh quân sự hùng hậu gồm 28 quốc gia NATO. Kể từ đầu những năm 2000, khi khối này kết nạp các quốc gia Baltic và ngày càng tiến dần về phía đông, Moscow ngày càng phản ứng quyết liệt, ngăn chặn Ukraine ngã vào vòng tay của NATO và EU trở thành nhiệm vụ không thể không làm của Nga.
Theo Nikolas K. Gvosdev, giáo sư nghiên cứu về an ninh quốc gia tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, Nga trước hết cần cán qua ba cái đích trước khi đạt được mục tiêu giữ Ukraine trong vòng ảnh hưởng của mình.
Thứ nhất, làm suy yếu vị thế của chính phủ thân phương Tây ở Ukraine, khiến nước này mất đi khả năng thương lượng trên bàn đàm phán, đồng thời thuyết phục Kiev sẵn sàng chấp nhận các đề xuất từ Moscow. Sau đó, chứng kiến sự suy yếu khả năng kinh tế và quân sự của Ukraine. Và cuối cùng, khiến cho uy tín của phương Tây trong mắt người Ukraine suy giảm do không thực hiện được các lời hứa về viện trợ và ủng hộ chính phủ ở Kiev.
Sau thảm họa máy bay MH17 bị bắn rơi trên bầu trời đông Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đồng thuận áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Moscow. Cách này không đủ mạnh để buộc Nga thay đổi chính sách. Hơn thế, nó còn góp phần làm gia tăng mối bất đồng giữa Nga với Ukraine và phương Tây.
Chiến dịch trấn áp phe ly khai, được Kiev mô tả là "hoạt động chống khủng bố" ở Ukraine sau đó bắt đầu phát huy tác dụng, làm hao mòn sức kháng cự của quân ly khai và nhanh chóng thu hẹp vùng lãnh thổ mà lực lượng này kiểm soát. Hai tuần trước, nhiều người dự đoán Donetsk và Lugansk sẽ sụp đổ trước sức mạnh quân sự của Ukraine. Nhưng kể từ cuối tháng 8, tình thế hoàn toàn xoay chuyển. Phe ly khai mạnh lên, tập trung lực lượng vào phía nam, đuổi cho quân chính quy của Ukraine tháo chạy khỏi nhiều thị trấn.
Hội nghị ở Minsk bàn về lệnh ngừng bắn được triệu tập vội vã có thể nhắm vào việc biến vấn đề Donetsk và Lugansk trở nên "thực tế" để Kiev phải tập trung đối phó. Ukraine sẽ giống như các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở giai đoạn cuối với tình trạng xung đột gần như vĩnh viễn, không thể giải quyết nếu thiếu bàn tay của Moscow. Với sự ủng hộ của Nga, phe ly khai có đủ sức tồn tại buộc chính quyền của Poroshenko đối phó với họ như một lực lượng độc lập trong chính trị Ukraine, National Interest nhận định.
Cách tiếp cận này có vẻ như nhằm phục vụ cho ý đồ thứ nhất: làm thay đổi cán cân trên bàn hội đàm.
Tiềm lực quân sự Kiev chưa bao giờ được coi là mạnh. Một phần lý do bởi tham những và ngân quỹ eo hẹp khiến quân đội không có khả năng đối phó với những mối đe dọa mới. Các nhà chính trị và chuyên gia nước ngoài liên tục bàn thảo về việc cung cấp vũ khí tối tân cho Ukraine. Nhưng biểu hiện yếu kém của các đơn vị cũng như nạn tham nhũng trong quân đội sẽ chỉ khiến mọi hỗ trợ trở nên vô nghĩa.
Các đế chế tư nhân phương Tây cũng không sẵn sàng rót tiền đầu tư mới cho Ukraine. Royal Dutch Shell, tập đoàn năng lượng ngoài quốc doanh lớn thứ hai thế giới, đã ký bản thỏa thuận phát triển mỏ dầu và khí đốt ở đông Ukraine với Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych. Hiện nay, kế hoạch bị hoãn vô thời hạn với lý do tình hình trong khu vực quá bất ổn và cuộc xung đột gây ảnh hưởng lớn đến xây dựng và sản xuất.
Ukraine giờ đây thất thế hơn nhiều cả trên phương diện kinh tế và quân sự so với chỉ một năm trước. Tình trạng này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những ai muốn giữ Kiev trong vòng ảnh hưởng của mình.
Cuối cùng, Moscow muốn loại bỏ mọi hy vọng của chính phủ Ukraine về một sự can thiệp có hiệu quả của phương Tây. Sau xung đột Nga - Gruzia năm 2008, cựu tổng thống Ukraine Leonid Kuchma đã khuyên đồng bào mình không nên bị cuốn vào bất kỳ tranh chấp nào với Moscow. "Khi chúng ta đối đầu với Nga... thì ai sẽ đứng về phía chúng ta? Tôi chắc chắn cả EU và Mỹ sẽ không động một ngón tay", National Interest dẫn lời ông.
Lần này, phương Tây hành động khá tích cực, thể hiện ở các lệnh trừng phạt nặng hơn áp đặt lên Nga. Nhưng mọi thứ chỉ dừng lại ở đó. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa ra dấu hiệu rằng có một giới hạn rõ ràng xung quanh việc phương Tây có thể đi xa đến đâu trong khủng hoảng Ukraine: chắc chắn can thiệp quân sự sẽ không bao giờ được tính đến.
Trong khi đó thì Nga chủ động và đẩy mạnh cứu trợ cho người Ukraine. Các lãnh đạo Ukraine, với niềm hy vọng đặt vào phương Tây vơi dần, sẽ sẵn sàng nhượng bộ trước đề nghị của Nga nếu họ nhận ra rằng không có chàng hoàng tử nào đến cứu mình cả.
Vị thế của Nga trong khu vực Á-Âu sẽ tiếp tục được củng cố khi người ta làm phép so sánh giữa những lời hứa của phương Tây với lập trường cũng như hành động dứt khoát của Putin. Mặt khác, Putin cũng có thể đẩy mạnh danh tiếng và tỷ lệ ủng hộ ở Nga lên cao hơn, nhờ chứng minh được rằng ông có thể chống lại sự "áp đặt" của Tây phương.
Tính đến hiện nay, ván bài ở Ukraine cho thấy Putin có thể áp đặt những điều mà Kiev và phương Tây không mong muốn. Trong khi đó, phía bên kia chưa xoay chuyển được bàn cờ.
"Bị trừng phạt thì cũng khó chịu đấy, nhưng không chết được", giáo sư Gvosdev nhận xét.
Vũ Hoàng (theo National Interest)