Thứ năm, 26/4/2018, 15:01 (GMT+7)

Ba bài học từ hai cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều trong quá khứ

Không vội vã thỏa thuận với Bình Nhưỡng khi chưa tham vấn với Washington là một trong các bài học Tổng thống Hàn Quốc có thể rút ra từ những người đi trước khi gặp lãnh đạo Triều Tiên.

Khi Moon Jae-in gặp Kim Jong-un vào ngày mai, ông sẽ là tổng thống Hàn Quốc thứ ba gặp mặt một lãnh đạo Triều Tiên. Hai người tiền nhiệm của ông, cố tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun, mỗi người đều từng gặp cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il lần lượt vào các năm 2000 và 2007.

Các cuộc gặp này đều thu được những kết quả nhất định nhưng chúng lại không thể đóng góp đáng kể cho nỗ lực chấm dứt xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Dù vậy, chúng vẫn đem đến những bài học quan trọng mà Tổng thống Moon có thể mang theo khi bước đến phòng họp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, theo CNN.

Khi tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun đặt chân tới Bình Nhưỡng, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il lúc bấy giờ đã trải thảm đỏ đón họ, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Những nghi thức tiếp đón có phần khoa trương mà Triều Tiên dành cho hai lãnh đạo Hàn Quốc được truyền tải trên khắp thế giới và đây chính xác là điều Bình Nhưỡng mong muốn.

Bằng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng, người Hàn Quốc đã tạo điều kiện để bộ máy tuyên truyền của Kim Jong-il phát huy tác dụng tối đa.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin về chuyến thăm như thể hai lãnh đạo Hàn Quốc tới Bình Nhưỡng để thể hiện sự tôn trọng. Bên cạnh đó, họ còn dễ dàng kiểm soát những luồng thông tin và hình ảnh từ cuộc gặp bởi họ chính là nước chủ nhà.

Tổng thống Hàn Quốc gặp lãnh đạo Triều Tiên năm 2000
 
 

Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung tới Bình Nhưỡng năm 2000. Video: KCNA.

Chính quyền Kim Dae-jung lẫn chính quyền Roh Moo-hyun đều hiểu rõ những rủi ro khi gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il trên "sân nhà" của ông cũng như các thách thức họ phải đối mặt nếu trở về "tay trắng". Trong trường hợp của tổng thống Kim Dae-jung, "Triều Tiên chỉ thể hiện thái độ kiểu như 'cứ đến đi, tất cả mọi chuyện rồi sẽ ổn'. Vì vậy, việc tồn tại tâm lý lo âu, bất an là điều dễ hiểu", Kim Hong-gul, con trai ông Kim Dae-jung, nói với CNN.

Với trường hợp của tổng thống Roh Moo-hyun, ông cuối cùng quyết định tới thủ đô Triều Tiên nhưng trước đó, chính quyền Hàn Quốc đã rất phân vân, Lee Jong-seok, cựu chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, cựu bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho hay.

"Chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm tổ chức hội nghị bởi Triều Tiên không muốn đến Seoul còn chúng tôi thì không muốn đến Bình Nhưỡng một lần nữa", ông Lee kể.

Cả hai cố lãnh đạo Hàn Quốc đều đến Triều Tiên trong tình thế bất lợi. Dù ở cuộc gặp nào, Kim Jong-il đều giành được thắng lợi về mặt tuyên truyền khi có thể buộc tổng thống Hàn Quốc tới tận Bình Nhưỡng gặp mình mà không cần đưa ra nhượng bộ để xuống thang căng thẳng trong dài hạn.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Tòa nhà Hòa bình bên bờ phía nam Khu vực An ninh Chung (JSA) thuộc Khu Phi quân sự (DMZ) liên Triều.

Giới quan sát đánh giá lựa chọn trên là kết quả của sự thỏa hiệp giữa hai lãnh đạo Hàn - Triều. Dù cuộc gặp kết thúc ra sao, ông Moon dường như vẫn sẽ bảo vệ được chiến thắng về mặt tuyên truyền quan trọng.

Các phóng viên Hàn Quốc sẽ được phép bước sang bên kia đường biên giới chia cắt hai miền trong DMZ để chụp khoảnh khắc lãnh đạo Triều Tiên đặt chân sang phía nam.

Khi ông Kim Dae-jung tới Bình Nhưỡng năm 2000, Mỹ và Hàn Quốc đã phối hợp chặt chẽ để điều chỉnh chiến lược ngoại giao với Triều Tiên. Kim Dae-jung rời Bình Nhưỡng với nhiều thỏa thuận trong tay, đặc biệt là thỏa thuận tái đoàn tụ các gia đình ly tán bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, đổi lại Hàn Quốc đầu tư nguồn lực cho nền kinh tế Triều Tiên đang trì trệ.

Bill Clinton, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, tận dụng động lực từ cuộc gặp thượng đỉnh bằng cách cử ngoại trưởng Madeleine Albright tới Bình Nhưỡng gặp Kim Jong-il, đồng thời tiếp đón một nhóm các quan chức quyền lực Triều Tiên ở Washington. Lãnh đạo Triều Tiên chấp nhận lời mời tới thăm Seoul vào dịp khác nhưng không bao giờ thực hiện chuyến đi.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il (phải) nắm tay tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun sau khi hai người trao đổi một tuyên bố chung ngày 4/10/2007. Ảnh: CNN.

Đối với tổng thống Roh Moo-hyun, thời điểm tới Triều Tiên năm 2007, ông chỉ còn vài tháng là kết thúc nhiệm kỳ và muốn ký kết một thỏa thuận đảm bảo Hàn Quốc vẫn tiếp tục cung cấp viện trợ cho Triều Tiên khi ông rời ghế.

"Roh Moo-hyun hy vọng rằng chính quyền kế nhiệm mà ông biết chắc chắn là bảo thủ và trung tả sẽ giữ lại một số dấu ấn trong chính sách của ông", Andrei Lankov, giáo sư tại Đại học Kookmin, Hàn Quốc, chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, nhận định. "Ông ấy muốn đạt được nhiều thỏa thuận nhất có thể nhằm đẩy lại cho người kế nhiệm".

Giống với tổng thống Kim Dae-jung, tổng thống Roh Moo-hyun rời Bình Nhưỡng mang theo không ít thỏa thuận. Một kế hoạch 8 điểm thống nhất rằng cả hai bên nên nhanh chóng tiến tới xây dựng hiệp ước hòa bình để chấm dứt hoàn toàn tình trạng chiến tranh.

Khác với tổng thống Kim Dae-jung, ông Roh trở về Hàn Quốc nhưng không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước cho những nỗ lực của mình.

Người kế nhiệm ông, tổng thống Lee Myung-bak không muốn duy trì thỏa thuận tiếp tục hỗ trợ kinh tế cho Bình Nhưỡng nếu không đi kèm những ràng buộc rõ ràng. Ông khẳng định mọi khoản tiền hay viện trợ dành cho Triều Tiên đều phụ thuộc vào việc Kim Jong-il có đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân hay không.  Tổng thống Mỹ George W. Bush được cho là đã ủng hộ người đồng cấp Hàn Quốc về cách tiếp cận cứng rắn hơn với Triều Tiên.

"Những kinh nghiệm quá khứ chỉ ra rằng Hàn Quốc thường đi vào ngõ cụt trong chính sách xử lý vấn đề Triều Tiên khi họ không thể thuyết phục đồng minh thân cận Mỹ ủng hộ họ", Lee Seong-hyon, nhà nghiên cứu tại Viện Sejong ở Seoul, cho hay.

Tổng thống Moon đã nhậm chức được gần một năm. Suốt quãng thời gian này, ông đảm nhận vai trò người dàn xếp, cân bằng mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Nhằm thuyết phục chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tin tưởng vào những động thái Hàn Quốc thực hiện, ông Moon đã liên tục gửi các trợ lý chủ chốt tới Washington để thảo luận. Bộ trưởng Ngoại giao, cố vấn an ninh quốc gia và một quan chức tình báo hàng đầu Hàn Quốc tháng trước cũng đến Washington nhằm trao đổi với các đối tác Mỹ về tình hình khu vực.

Hồi tháng ba, Tổng thống Trump đồng ý tham gia một cuộc gặp thượng đỉnh khác với lãnh đạo Triều Tiên sau khi ông nhận được lời mời do hai quan chức cấp cao Hàn Quốc từng gặp Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng thay mặt ông chuyển tới.

"Tổng thống Moon biết rõ rằng phương pháp tiếp cận của Hàn Quốc với Triều Tiên sẽ hiệu quả hơn nếu người Mỹ hiểu họ", Lee Seong-hyon nói.

Kim Dae-jung là kiến trúc sư trưởng của cái gọi là "Chính sách Ánh dương", nhắm đến mục tiêu tạo dựng một mối quan hệ hợp tác kinh tế, ngoại giao gần gũi hơn với Bình Nhưỡng nhằm xoa dịu căng thẳng và ngăn chặn tình trạng sụp đổ kinh tế ở Triều Tiên. Ông Moon từng là một trong những gương mặt chủ chốt góp phần xây dựng chính sách này.

Về cơ bản, "Chính sách Ánh dương" gắn kết chặt chẽ tới vấn đề tiền bạc. Người Triều Tiên muốn các khoản viện trợ bởi nó giúp nước họ tồn tại và hơn hết, người Hàn Quốc đã không đưa ra quá nhiều ràng buộc đối với họ.

Di sản của Kim Dae-jung dường như được giữ vững sau khi ông trở về từ hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng và nhận được giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực hòa giải hai miền. Nhưng hình ảnh của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào năm 2003 với thông tin được tiết lộ rằng Hàn Quốc đã bí mật chuyển gần 200 triệu USD cho Triều Tiên thông qua tập đoàn Hyundai chỉ vài ngày trước cuộc gặp.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il (phải) đón tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung ở sân bay quốc tế Sunan, Bình Nhưỡng, hồi tháng 6/2000. Ảnh: CNN.

Tổng thống Kim Dae-jung đã xin lỗi công khai vì hành động bí mật chuyển khoản tiền song khẳng định số tiền này nhằm phục vụ công việc tại Triều Tiên. Ông hy vọng lãnh đạo Triều Tiên sẽ dùng số tiền để cải cách kinh tế và qua đó tự do hóa nền kinh tế Triều Tiên.

Tuy nhiên, mong muốn trên không trở thành hiện thực và rất nhiều người Hàn Quốc đi đến kết luận rằng hàng triệu USD viện trợ đổ vào Triều Tiên đã không thể ngăn được Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân cũng như không phục vụ cho lợi ích của Seoul.

Hiện nay, việc ngầm chuyển tiền cho Triều Tiên sẽ là hành động vô cùng rủi ro đối với Tổng thống Moon, đặt trong bối cảnh ông được bầu nhờ xây dựng hình ảnh một "ứng viên trong sạch" xuyên suốt chiến dịch tranh cử.

Hàn Quốc đang tìm kiếm một lãnh đạo trung thực để thay thế cựu tổng thống bảo thủ Park Geun-hye, người bị phế truất và phải ngồi tù vì vướng bê bối tham nhũng.

"Bất kỳ khoản tiền nào chuyển cho Triều Tiên cũng giống như chất độc trước bối cảnh chính trị ở Hàn Quốc cùng với thực tế là ông Moon lâu nay vẫn thu hút ủng hộ dựa trên sự minh bạch", giáo sư John Delury từ Đại học Yonsei bình luận. "Chúng rất nhạy cảm và gây tranh cãi".

Mặt khác, việc ông Moon chuyển tiền cho Bình Nhưỡng cũng sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân, tên lửa. Đây là nỗ lực mà Mỹ luôn đi đầu. Tổng thống Trump từng tuyên bố "chiến dịch gây sức ép tối đa" lên Bình Nhưỡng vẫn sẽ được thực hiện trong lúc các cuộc thảo luận diễn ra.

"Bất kỳ mối hợp tác kinh tế đáng chú ý nào với Triều Tiên vào lúc này cũng đều sẽ đi ngược lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Rất ít ngoại lệ", ông Lankov nhận xét.

"Moon Jae-in không thể liều lĩnh thách thức Tổng thống Donald Trump và làm những điều có nguy cơ khiến Trump phát điên", giáo sư Lankov nhấn mạnh.

Vũ Hoàng