Một tuần trước đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phân tích đặc điểm biến chủng cho thấy BA.5 chứa một số đột biến gồm L452R, F486V và R493Q so với BA.2.
Theo đó, các nghiên cứu sơ bộ cho thấy BA.5 thay đổi đáng kể về đặc tính kháng nguyên so với hai dòng biến chủng BA.1, BA.2.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phát hiện biến chủng phụ BA.5, ví dụ Đức, Bỉ, Pháp, Áo, Italy, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ... Ở Nam Phi, tỷ lệ mắc BA.5 đã tăng từ dưới 1% vào tháng 1 lên 20% vào cuối tháng 4, trở thành quốc gia có tỷ lệ nhiễm chủng này lớn nhất.
Hiện Việt Nam ghi nhận nhiều ca nhiễm BA.5 tại miền Nam và miền Bắc. Ca nhiễm cả nước đang có xu hướng tăng lên, tăng khoảng 12% trong một tuần, từ trung bình 600 ca nhiễm một ngày lên hơn 900 ca một ngày. Ca nặng tăng 73%, nhiều bệnh viện tiếp nhận ca tái nhiễm.
Cục Y tế dự phòng dự báo thời gian tới các ca nhiễm BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong nước, số mắc mới tăng lên, BA.5 sẽ từng bước thay thế biến chủng BA.2 trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cơ quan này cho biết khó dự báo mức độ gia tăng cụ thể do phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau như nCoV thường xuyên biến đổi, không ổn định, khả năng miễn dịch giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine, khối cảm nhiễm, khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống của Việt Nam.
Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa BA.5 vào danh sách cần giám sát. Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và dịch bệnh châu Âu bước đầu nhận định biến chủng này xuất hiện và gia tăng tại một số nước vào cuối tháng 6, đầu tháng 7. Do đó, cơ quan này khuyến cáo các nước duy trì tiêm vaccine nhắc lại cho nhóm nguy cơ cao, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.
Chi Lê