Ngày 21/7, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, hiện có tốc độ gia tăng Covid-19 cao nhất toàn cầu, với số ca mới là 1,44 triệu, cao hơn 37% so với tuần trước đó.
Cụ thể, tại Hàn Quốc, số ca nhiễm tăng gấp đôi lần thứ hai trong tháng vào ngày 18/7, lên hơn 73.000 người. Đây cũng là lần đầu tiên, số ca nhiễm trong ngày vượt mốc 70.000 kể từ 26/4.
Tốc độ lây truyền của Covid-19 vượt xa những gì chính phủ dự tính. Trước đó, giới chức Hàn Quốc cho rằng số ca mắc mới có thể chạm mốc 400.000 người vào cuối tháng 7, trong kịch bản xấu nhất.
Để chống lại đợt lây nhiễm mới, Hàn Quốc bắt đầu thực hiện đợt tiêm chủng tăng cường ngày 18/7. Chính phủ khuyến cáo người trên 50 tuổi, những người dễ tổn thương nên cân nhắc tiêm liều vaccine thứ 4. Tuy nhiên, tỷ lệ đăng ký hiện rất thấp. Tính đến 4h chiều ngày 18/7, chỉ 1,5% số người ở độ tuổi 50 đồng ý tiêm chủng.
Bên cạnh đó, từ ngày 25/7, các bệnh viện, cơ sở y tế, viện dưỡng lão sẽ hoãn việc gặp mặt trực tiếp để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm. Toàn bộ nhân viên y tế làm việc trong các cơ sở nói trên bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm PCR mỗi tuần một lần.
Hàn Quốc đã xây dựng thêm khoảng 3.500 trung tâm điều trị "một cửa" vào tháng 7. Các trung tâm này hoạt động vào cả cuối tuần và ban đêm để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm các đối tượng nghi ngờ, điều trị và cấp phát thuốc kháng virus.
Chiến lược của chính phủ là tập trung điều trị bệnh nhân trong nhóm có nguy cơ cao, không khôi phục các quy tắc phòng dịch của giai đoạn trước, trong khi các chuyên gia thúc giục giới chức áp đặt lại các biện pháp giãn cách xã hội (ở mức độ nào đó) trước khi tình hình vượt kiểm soát.
Tại Nhật Bản, số ca mắc Covid-19 hàng ngày lên tới 150.000 vào 20/7. Số ca nhiễm mới tăng kỷ lục tại 30 trong 47 tỉnh ở Nhật Bản, bao gồm Kanagawa, Aichi, Osaka, Hyogo và Okinawa. Tokyo ghi nhận hơn 20.000 trường hợp mới, lần đầu tiên kể từ đầu tháng 2.
Trong bối cảnh dịch bệnh nóng lên, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike tuyên bố sẽ tăng cường phối hợp với các bệnh viện và nhân viên y tế để ứng phó virus.
"Chúng tôi sẽ yêu cầu các bệnh nhân đã hồi phục rời bệnh viện càng sớm càng tốt để nhường chỗ cho những người mới", ông nói.
Tại một cuộc họp báo, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno nhắc lại chính quyền trung ương sẽ không áp đặt các hạn chế di chuyển, dù số ca nhiễm tăng nhanh trên toàn đất nước.
"Chúng tôi tập trung hết sức để hỗ trợ cho hệ thống y tế và ưu tiên bảo vệ người cao tuổi, người có nguy cơ chuyển nặng nếu nhiễm virus", ông nói.
Bộ trưởng Y tế Shigeyuki Goto cũng cho biết việc siết chặt biện pháp phòng dịch là không cần thiết vào lúc này. Tuy nhiên, chính phủ "có thể áp dụng các quy định mạnh mẽ hơn, bao gồm hạn chế di chuyển nếu tỷ lệ nhập viện đạt tới giới hạn".
Thống đốc Osaka, ông Hirofumi Yoshimura kêu gọi người trẻ tuổi tiêm liều vaccine tăng cường. Ông cảnh báo hệ thống y tế của khu vực đang chịu nhiều áp lực.
Australia đang ghi nhận những ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ làn sóng Omicron vào đầu năm nay, với 89 trường hợp tử vong trong ngày 21/7 và 90 người trong 20/7. Số ca nhiễm mới tăng hơn 55.600 ca trong ngày 21/7, mức cao nhất kể từ ngày 18/5. Bộ Y tế nước này ghi nhận khoảng 5.350 bệnh nhân đang điều trị trong bệnh viện, trong khi một số bang đang nỗ lực ứng phó với số ca nhập viện cao kỷ lục.
Trước tình hình này, giới chức khuyến nghị doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc tại nhà và kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm mũi tăng cường, khi chỉ có khoảng 71% người dân tiêm liều nhắc lại.
Giới chức New Zealand đã cung cấp khẩu trang và xét nghiệm kháng nguyên miễn phí cho người dân, nhằm cố gắng giảm bớt áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe. Quốc gia đang đón hai đợt dịch liên tiếp là Covid-19 và cúm mùa.
"Sự kết hợp của Covid-19 gia tăng đột biến và đợt cúm mùa tồi tệ nhất trong những năm gần đây, kèm theo việc thiếu hụt nhân lực khiến toàn bộ hệ thống y tế phải chịu áp lực lớn", Ayesha Verrall, Bộ trưởng phụ trách ứng phó Covid-19 tại New Zealand, cho biết.
Nước này hiện ghi nhận gần 69.000 người nhiễm virus. Trong đó, 765 trường hợp đang nằm viện, khiến thời gian chờ đợi giường bệnh tăng lên, nhiều ca phẫu thuật phải hủy bỏ.
Indonesia, Malaysia, Singapore cũng đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt sóng Covid mới với hàng nghìn ca nhiễm ghi nhận mỗi ngày. Bộ Y tế Malaysia đang cân nhắc khả năng tái áp đặt quy định giãn cách xã hội, trong đó có yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín. Còn giới chức Indonesia tái áp đặt quy định đeo khẩu trang và yêu cầu người dân tiêm liều vaccine tăng cường.
Việt Nam hiện ghi nhận trung bình khoảng 900 ca mắc mới mỗi ngày, riêng ngày 20/7 ghi nhận trên 1.000, trong khi nhiều người dân có tâm lý chủ quan vì đã mắc Covid hoặc tiêm vaccine. Bộ Y tế đang thúc giục người dân tiêm mũi vaccine thứ 3,4 và tuân thủ các quy định phòng dịch, trước nguy cơ Covid có thể bùng phát cùng thời điểm với sốt xuất huyết và cúm mùa.
Thục Linh (Theo Reuters, Korea Herald, Kyodo News)