Ring Mayar dành cả ngày gõ cửa từng nhà ở vùng ngoại ô phía tây Melbourne, để hỏi xem họ có bị ho, sốt hay ớn lạnh không. Ngay cả khi không có triệu chứng, anh vẫn khuyến khích họ làm xét nghiệm nCoV, khi chính quyền chạy đua để kiểm soát đợt bùng phát mới đe dọa "đạp đổ" chiến thắng Covid-19 mà Australia từng tuyên bố.
"Tình hình thực sự khó khăn", Maymar, chủ tịch Hiệp hội Cộng đồng Nam Sudanese, bang Victoria, nói.
Giống nhiều nơi khác trên thế giới, nCoV đã tận dụng các lỗ hổng trong hệ thống kiểm soát dịch để bùng phát trở lại. 9 News hôm 4/7 báo cáo 108 ca nhiễm mới trong 24h qua, mức tăng kỷ lục kể từ ngày 28/3. Australia đã ghi nhận gần 8.400 ca nhiễm và 104 người chết kể từ khi dịch bùng phát.
Theo truyền thông địa phương, giới chức Australia mở cuộc điều tra cáo buộc nhân viên tại một số khách sạn Melbourne quan hệ với người đang cách ly, gây đợt bùng dịch mới.
Đợt bùng phát mới cho thấy ngay cả quốc gia được xem là "an toàn" để quay lại cuộc sống bình thường, nCoV vẫn có thể "hồi sinh". Nhiều ổ dịch mới bùng phát ở Australia đang cản trở nỗ lực mở cửa biên giới quốc gia, kế hoạch mở cửa du lịch với nhiều quốc gia và khiến 300.000 người phải quay lại tình trạng phong tỏa.
Giới chức địa phương đang gõ cửa từng nhà để kêu gọi người dân xét nghiệm nCoV, đồng thời cảnh báo nếu không tuân thủ, toàn bộ Victoria, bang đông dân thứ hai của Australia sẽ bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát mới.
"Nếu ai đó đến nhà và yêu cầu bạn xét nghiệm, câu trả lời nên là có. Nếu bạn không làm như vậy, tất cả chúng ta sẽ bị phong tỏa", Daniel Andrews, thủ hiến bang Victoria nói trong cuộc họp báo hôm 1/7.
Trước khi các ổ dịch mới bùng phát ở Victoria, Australia chỉ ghi nhận vài ca nhiễm mới mỗi tuần và đang dần nới lỏng hạn chế, với mục tiêu mở cửa đất nước vào cuối tháng 7. Nhưng hai tuần qua, Victoria ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức hai con số. Dù số ca nhiễm mới không đáng kể so với nhiều nơi như Mỹ, đợt bùng phát mới đủ khiến giới chức Australia lo lắng.
Đợt bùng phát ở Victoria xảy ra theo mô hình quen thuộc: giới chức y tế cộng đồng trên toàn cầu cảnh báo các ổ dịch mới bùng phát là điều không thể tránh khỏi ngay cả ở các quốc gia hầu như đã kiểm soát được nCoV, khi các hạn chế đi lại được nới lỏng.
Tại Trung Quốc, ổ dịch bùng phát liên quan tới chợ thực phẩm ở Bắc Kinh tháng trước, khiến giới chức phải phong tỏa nhiều khu vực và xét nghiệm trên diện rộng, giống như những gì đang diễn ra ở Australia. Tại Singapore, số ca nhiễm đã gia tăng mạnh trong các khu ký túc xá lao động nhập cư đông người.
Tại Australia, nCoV đã tấn công vào Melbourne, nơi các thông điệp của chính phủ không được truyền tải hiệu quả tới người dân, do rào cản ngôn ngữ hoặc nhiều vấn đề khác như mất niềm tin vào chính quyền. Nỗi sợ xét nghiệm nCoV tăng cao và nhiều người thu nhập thấp ít có khả năng làm việc ở nhà khi bị ốm.
Một số khu vực này cũng có tỷ lệ vô gia cư cao và quá đông người, khiến việc thực hiện hướng dẫn cách biệt cộng đồng gặp nhiều khó khăn.
"Nếu họ không làm việc và không được nhận các khoản trợ cấp JobKeeper hay JobSeeker, họ chỉ còn biết sống dựa vào từ thiện", Eddie Micallef, chủ tịch Hội đồng Cộng đồng Dân tộc Victoria, nói.
Các mối đe dọa này đã được cảnh báo từ hồi tháng 5, khi một hội đồng gồm nhiều bác sĩ và chuyên gia nói chính phủ Australia đã bỏ lỡ cơ hội bảo vệ các cộng đồng người nhập cư.
Micallef và nhiều lãnh đạo cộng đồng khác nói rằng thông tin của chính quyền bang và liên bang về các việc cần làm để ngăn lây nhiễm đã không được truyền tải đủ tới các nhóm có nguy cơ cao. Một số cho biết các thông tin được dịch ra ngôn ngữ của họ quá chậm và không rõ ràng.
"Bạn hầu như phải có trình độ đại học mới có thể hiểu nó", Mohammad Al-Khafaji, giám đốc điều hành Liên đoàn các Hội đồng Cộng đồng Dân tộc của Australia, nói về các tài liệu Covid-19 mà chính phủ dịch sang tiếng Arab.
Ông và nhiều chuyên gia khác cảnh báo việc phong tỏa bắt buộc do cảnh sát thực thi, giữa lúc vấn đề bạo lực cảnh sát đang gây tranh cãi trên toàn cầu, có thể chỉ khiến các cộng đồng thêm cảnh giác với chính quyền và khiến họ tăng cảm giác bị cô lập.
"Chúng ta phải giúp họ hiểu tầm quan trọng của việc ở nhà. Đó không phải thông qua các hình phạt hay giám sát quá mức. Điều đó sẽ không mang lại thay đổi mà chúng ta tìm kiếm", Rebecca Wickes, phó giáo sư về tội phạm học và giám đốc Trung tâm Di cư và Hòa nhập tại Đại học Monash, Melbourne, nói.
Bà thêm rằng trong khi làn sóng phân biệt chủng tộc đầu tiên liên quan tới nCoV nhắm vào người gốc Á, làn sóng thứ hai nhắm vào cộng đồng người di cư và thiểu số đã xuất hiện. Có nhiều quan điểm sai lầm rằng các nhóm này "phớt lờ" lời khuyên về sức khỏe cộng đồng.
Các lãnh đạo của cộng đồng Hồi giáo nói rằng họ lo lắng trở thành "mục tiêu" phân biệt đối xử khi một trong số ổ dịch ở Melbourne có nguồn gốc từ lễ hội Eid truyền thống của họ vào tháng trước.
Đối với Mayar, xóa bỏ định kiến về Covid-19 và tình trạng phân biệt đối xử gắn liền với việc gõ cửa từng nhà. Dù đeo găng tay và giữ khoảng cách an toàn đối với các cư dân, Mayar không đeo khẩu trang.
Anh thừa nhận điều này có thể mang tới nhiều rủi ro. "Nhưng cuối cùng chúng ta đều là con người và không muốn nhìn nhau như người ngoài hành tinh. Ngay cả khi gặp một người bị bệnh, chúng ta cũng cần thể hiện tình yêu thương với họ", anh nói.
Thanh Tâm (Theo NYTimes)