Thỏa thuận được Thủ tướng Scott Morrison công bố ngày 3/9 sẽ tăng gấp đôi lượng vaccine Pfizer mà Australia đang sở hữu trong tháng này. Lô vaccine Pfizer đầu tiên trong thỏa thuận cho vay dự kiến được chuyển từ Anh tới Australia trong ngày mai.
"Máy bay đang ở trên đường băng và sẽ xuất phát vào ngày mai, điều sẽ giúp chúng tôi tăng đáng kể cơ hội giúp Australia mở cửa trở lại", Morrison nói trong cuộc họp báo ở Canberra hôm nay.
Thỏa thuận vay vaccine từ Anh được Australia công bố trong bối cảnh nước này ghi nhận thêm 1.641 ca nhiễm trong 24 giờ qua, mức tăng kỷ lục từ khi Covid-19 xuất hiện tại nước này, tổng số là 58.206. Australia cũng ghi nhận thêm 13 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì Covid-19 lên 1.032.
"Vào một ngày khó khăn như thế này, điều quan trọng là mang lại hy vọng. Tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng vẫn còn hy vọng", Thủ tướng Australia nói.
Ông mô tả việc vay mượn vaccine này là một "thỏa thuận hợp lý giữa những người bạn tốt". "Cảm ơn Boris, tôi nợ ông một chầu bia", Morrison nói, nhắc tới người đồng cấp Anh Boris Johnson.
Trước đó, Australia đã vay Singapore 500.000 liều vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech sản xuất. Theo hai thỏa thuận, Australia sẽ trả lại số vaccine đã vay cho Singapore và Anh vào cuối năm nay, khi đơn đặt hàng vaccine của họ được chuyển đến.
"Thỏa thuận của chúng tôi với Australia sẽ chia sẻ số liều vaccine vào thời điểm tối ưu để thúc đẩy chương trình tiêm chủng của cả hai quốc gia", Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết trong email.
Số ca nhiễm tăng có khả năng khiến Thủ tướng Morrison khó thuyết phục các bang và vùng lãnh thổ của Australia dỡ bỏ lệnh phong tỏa và cấm di chuyển qua lại, nếu nước này chưa đạt tỷ lệ 80% dân số trên 16 tuổi hoàn thành liệu trình tiêm vaccine Covid-19.
Bang New South Wales và Victoria cảnh báo mọi người rằng họ sẽ phải học cách sống chung với Covid-19, trong khi các bang khác quay lưng với kế hoạch tái mở cửa quốc gia. Một số bang không có ca Covid-19 từ chối tái mở cửa, do lo ngại tình hình dịch bệnh ở các bang khác.
Các hạn chế đang được áp dụng tại Australia khiến nền kinh tế nước này nguy cơ rơi vào cuộc suy thoái lần thứ hai sau nhiều năm. Bất đồng về bước đi tiếp theo trong chiến lược chống dịch sẽ là một thách thức đối với Morrison, khi Australia dự kiến tổ chức bầu cử trước tháng 5/2022.
Số ca nhiễm và tử vong tại Australia từ khi đại dịch bắt đầu thấp hơn nhiều quốc gia tương đương, song đợt bùng phát liên quan biến chủng Delta khiến nhiều người nghi ngờ rằng liệu nước này có nên tiếp tục theo đuổi chiến lược "không Covid-19" hay không.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)